TỔNG QUAN VỀ UNG THƯ DA (PHẦN 3)
Ung thư biểu mô tế bào đáy
Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định ung thư biểu mô tế bào đáy chủ yếu dựa vào:
– Triệu chứng lâm sàng
+ Tổn thương ở người có tuổi, biểu hiện là các u chắc, bóng, trên có giãn mạch hoặc tổn thương nổi gờ cao, bóng và hình ảnh “hạt ngọc trai”.
+ Vùng da hở.
+ Không ngứa, không đau.
+ Tiến triển chậm, xâm lấn tổ chức xung quanh có thể loét, dễ chảy máu.
– Xét nghiệm mô bệnh học.
Hình: Tổn thương của ung thư da tế bào đáy
Tiến triển
Ung thư biểu mô tế bào đáy tiến triển chậm, tổn thương có thể lan rộng, xâm lấn tổ chức xung quanh gây biến dạng và làm rối loạn chức năng của một số cơ quan bộ phận như mũi, miệng và mắt. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cắt bỏ rộng thương tồn, tiên lượng của bệnh rất tốt.
Nguyên tắc điều trị
– Loại bỏ triệt để tổ chức ung thư.
– Điều trị phủ tổn khuyết, đảm bảo chức năng và thẩm mỹ sau khi cắt bỏ thương tổn u.
Điều trị cụ thể
- Loại bỏ tổ chức ung thư: có nhiều phương pháp khác nhau để loại bỏ tổ chức ung thư tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng bệnh nhân và điều kiện trang thiết bị
+ Phẫu thuật cắt bỏ rộng thương tổn: đây là biện pháp được chỉ định nhiều nhất, đường rạch da cách bờ tổn thương từ 0,3 – 0,5 cm.
+ Ngoài ra còn có thể áp dụng các biện pháp điều trị khác như phẫu thuật lạnh (Cryosurgery), laser CO2, tia xạ, quang tuyến liệu pháp, hoặc dùng quang hóa trị liệu (photochemotherapy).
– Phẫu thuật tạo hình khuyết tổ chức
+ Phẫu thuật tạo hình phủ tổn khuyết sử dụng các vạt da tại chỗ hoặc từ xa, ghép da dày toàn bộ hay ghép da xẻ đôi.
+ Lành sẹo tự nhiên: trường hợp thương tổn nhỏ ở một số vị trí đặc biệt như ở mũi, góc mắt… hoặc thể trạng bệnh nhân quá yếu không thể phẫu thuật tạo hình khuyết tổ chức, sau khi cắt bỏ tổ chức ung thư, tiến hành thay băng hàng ngày để tổn khuyết lên tồ chức hạt và tự lành sẹo.