TÌM HIỂU VỀ CHẤT LÀM TRẮNG GLUTATHIONE (PHẦN 4)
Dạng bào chế glutathion
Glutathione đường tĩnh mạch
Do sinh khả dụng đường miệng của glutathione thấp, nên tiêm tĩnh mạch đang được thúc đẩy để cung cấp nồng độ điều trị như mong muốn trong máu và da để làm trắng da “nhanh chóng”. Tuy nhiên, tiêm tĩnh mạch glutathione đã được sử dụng trong nhiều năm nhưng thậm chí không có một thử nghiệm lâm sàng nào đánh giá hiệu quả của nó. Nhà sản xuất đề nghị sử dụng liều 600-1200 mg để làm sáng da, được tiêm 1-2 lần mỗi tuần. Tiêm tĩnh mạch được mong đợi cung cấp 100% sinh khả dụng của glutathione, nhiều hơn so với dùng đường miệng. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào ủng hộ giả thuyết này. Mặc dù đường tiêm cung cấp một liều điều trị cao hơn để tăng hiệu quả, nhưng nó cũng giảm độ an toàn do khả năng quá liều.
Không có sẵn dữ liệu về hiệu quả của glutathione tiêm tĩnh mạch để làm trắng da. Các dữ liệu về độ an toàn cũng khan hiếm. Trong một nghiên cứu trên động vật, không có tác dụng phụ đáng kể nào được báo cáo ở chó khi dùng tới liều 300 mg glutathione/kg thể lượng cơ thể mỗi ngày trong 26 tuần. Các nghiên cứu trên người khi tiêm glutathione ở nam (600mg/ngày tiêm bắp trong vòng 2 tháng) không báo cáo bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào. Tuy nhiên, tác dụng phụ của glutathione đường tĩnh mạch đã được ghi nhận trong các tài liệu ở Philipine, một trong những nước tiêu dùng glutathione hàng đầu. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philipine đã đưa ra những cảnh báo về độ an toàn của việc tiêm glutathione và các phản ứng bất lợi khi sử dụng để làm trắng da. Những người ủng hộ glutathione đường tĩnh mạch cho rằng tác dụng này có thể do các tá dược gây nên và có thể giảm thiểu nguy cơ nếu sử dụng glutathione tinh khiết.
Một vấn đề khác liên quan đến glutathione tinh khiết và chất lượng cao là giá thành rất cao. Những loại rẻ hơn có thể bị làm giả mạo, với nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Trước nhiều hạn chế của glutathione đường tĩnh mạch, bác sĩ da liễu nên thận trọng khi sử dụng đường tiêm.
Những tác dụng phụ tiềm ẩn của glutathione
Vì glutathione là một thành phần của quá trình trao đổi chất của tế bào ở người, nên các tác dụng phụ được thấy khi sử dụng đường miệng được cho là nhẹ, giống như bổ sung vitamin liều cao. Tác dụng phụ của glutathione đường tĩnh mạch do phân phối trực tiếp một lượng lớn phân tử trong tuần hoàn máu. Các tác dụng phụ tiềm ẩn khác khi sử dụng glutathione liều cao và dài hạn bao gồm:
– Làm sáng màu tóc: một hiệu ứng làm sáng hợp lý được mong đợi vì màu tóc phụ thuộc vào loại và lượng melanin, có thể được thay đổi bằng cách bổ sung glutathione. Tác dụng phụ này chưa được báo cáo lâm sàng.
– Giảm sắc tố theo mảng, đặc biệt ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời được quan sát sau khi tiêm tĩnh mạch 10-12 liều. Kinh nghiệm cho thấy sự giảm sắc tố theo từng mảng sẽ được giải quyết sau 30-40 liều do da được làm sáng đồng đều.
– Sự suy giảm glutathione dự trữ tự nhiên ở gan: bổ sung dài hạn bất kỳ hợp chất tổng hợp nào từ bên ngoài cũng là dấu hiệu cơ thể ngừng sản xuất chất đó dẫn đến sự phụ thuộc vào các chất tổng hợp. Sự suy giảm glutathione ở gan (gan là nơi dự trữ glutathione) gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tác dụng phụ theo giả thuyết này mặc dù chưa được báo cáo lâm sàng, nhưng nó tương tự với sự ức chế vùng dưới đồi – tuyến yên khi sử dụng lâu dài corticosteroid toàn thân.
– Đợt cấp của loét dạ dày tá tràng liên quan đến Helicobacter pylori: HP được biết tiêu diệt đại thực bào và bạch cầu trung tính tại vị trí viêm do loét gây ra. Khi glutathione cải thiện số lượng và hoạt động của các đại thực bào, loét sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn.
– Tăng nhạy cảm với khối u ác tính: về mặt lý thuyết, việc sử dụng lâu dài glutathione sẽ chuyển eumelanin thành pheomelanin, và có thể làm tăng tính nhạy cảm đối với sự phát triển của khối u ác tính trong thời gian dài.
Tóm tắt vai trò của glutathione như một chất làm trắng
Hiện tại, còn thiếu bằng chứng ủng hộ glutathione trong điều trị tăng sắc tố. Có chế hoạt động của nó được ưu tiên như một chất làm sáng da. Chỉ có ba thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được tiến hành cho đến nay nhưng với thời gian theo dõi ngắn hạn. Những nghiên cứu này hỗ trợ cho tác dụng làm sáng da của glutathione bôi ngoài da và đường uống. Độ an toàn của glutathione bôi ngoài da và đường uống được chứng minh hợp lý. Việc sử dụng glutathione đường tiêm tĩnh mạch không tìm thấy bằng chứng để hỗ trợ và còn có nhiều biến chứng tiềm ẩn. Cần có thêm nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, giả dược với cỡ mẫu lớn hơn, thời gian theo dõi dài hơn nhằm đánh giá hiệu quả và độ an toàn của glutathione bôi ngoài da, uống và tiêm.