CHẤT THAY DA HÓA HỌC – ACID GLYCOLIC
LỊCH SỬ
Trong một nghiên cứu trên hơn 60 chất được lựa chọn cho các đặc tính có thể chống sự hình thành keratin, Van Scott và Yu nhận thấy rằng chất hiệu quả nhất thuộc về nhóm các acid alpha-hydroxy. Ví dụ, sử dụng 3 lần/ ngày acid citric, glycolic, lactic, malic, pyruvic và glucuronic đem lại các kết quả tuyệt vời ở tất cả các dạng bệnh vẩy cá, trừ dày sừng ly giải thượng bì. Các chất này đã được sử dụng ở nồng độ 5% trong thuốc mỡ thân nước. Sự thuyên giảm được duy trì khi vẫn còn tiếp tục điều trị. Việc sử dụng những chất này đã được áp dụng rộng cho những tình trạng dày sừng khác. Acid glycolic đã trở nên phổ biến vào cuối những năm 1980 như là một chất thay da hóa học.
ĐẶC TÍNH
Acid glycolic đã được chứng minh có hoạt tính kích thích nguyên bào sợi và lớp mầm, tiêu sừng. Những nghiên cứu được báo cáo đã chứng minh hiệu quả kháng viêm của nó và hoạt tính chống oxy hóa. Nó hoạt động bằng cách làm mỏng lớp sừng, thúc đẩy bong tróc biểu bì, phân tán melanin lớp nền, acid hyaluronic trung bì và biểu bì, và sự biểu hiện gen collagen gia tăng thông qua sự bài tiết IL-6.
CÔNG THỨC
Sự hấp thu của acid glycolic ở da người phụ thuộc vào pH, nồng độ và thời gian. Dung dịch acid glycolic 70% thường được sử dụng như chất thay da hóa học bề mặt, pH của những dung dịch này nằm trong khoảng 0,08 đến 2,75. Dung dich thay da với pH dưới 2 đã được chứng minh có khả năng gây đóng vảy và hoại tử, điều này không thấy ở những dung dịch trung tính với pH trên 2. Các acid nồng độ cao (70%) tạo ra phá hủy mô cao hơn nồng độ thấp (50%).
CHỈ ĐỊNH
Acid glycolic đã được công nhận là một phương pháp điều trị hỗ trợ quan trọng trong một loạt các tình trạng hư hại da do ánh sáng, mụn, rosacea, rối loạn tăng sắc tố, dày sừng quang hóa, các nếp nhăn mịn, đốm lão hóa, nám và dày sừng tiết bã. Hơn nữa, nó có thể giảm sự phát triển khối u ở da do UV gây ra và đã được đề xuất là một phương pháp điều trị chống lại những tình trạng bong tróc da như bệnh vẩy cá, khô da và bệnh vẩy nến. Ở phụ nữ sau mãn kinh, kem chứa 0,01% estradiol và 15% acid glycolic được sử dụng một bên mặt trong khoảng 6 tháng đem lại sự cải thiện đáng kể các dấu hiệu ở da lão hóa. Các chất thay da hóa học acid glycolic là một điều trị hiệu quả cho tất cả các loại mụn, giúp cải thiện nhanh chóng và phục hồi làn da bình thường. Ở những bệnh nhân này, acid glycolic được sử dụng phổ biến hơn dung dịch của Jessner, được xem có hiệu quả điều trị ngang nhau nhưng sự bong tróc giảm ở acid glycolic. Mặc dù điều trị sẹo lõm do mụn rất khó khăn và thường không đạt yêu cầu nhưng một số nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiên để nghiên cứu hiệu quả của acid glycolic trong điều trị mụn trứng cá thông thường. Hiện nay, nó được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiều khiếm khuyết của biểu bì và trung bì nhú với nhiều nồng độ khác nhau từ 20-70%, tùy thuộc vào tình trạng được điều trị.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Chất thay da acid glycolic được chống chỉ định trong viêm da tiếp xúc, mang thai và những bệnh nhân quá mẫn cảm với glycolat. Hơn nữa, chúng có thể gia tăng sự nhạy cảm của da với ánh sáng cực tím.
CHUẨN BỊ THAY DA
Bệnh nhân có tình trạng hư hại da do ánh sáng có thể sử dụng kem dưỡng chứa 25% acid glycolic khoảng 6 tháng. Trong trường hợp này, sự gia tăng độ dày da khoảng 25% đã được báo cáo kèm theo tăng độ dày lớp biểu bì và trung bì, lượng acid muco-polysaccharid gia tăng, mật độ collagen dày hơn và chất lượng của các sợi elastin được cải thiện. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị đạt được có thể tốt hơn ở nồng độ acid glycolic từ 50-70% và đạt hiệu quả tối đa khi kết hợp với các retinoid và các chống oxy hóa khác. Một số nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của kem chứa 4% hydroquinon và 2% acid glycolic được sử dụng một mình hoặc với acid salicylic trong việc đảo ngược hư hại quang hóa ở vùng cổ và trên ngực trong 12 tuần, acid salicylic được thực hiện 3 tuần/ lần. Điều trị này cải thiện từ 33-71% ở những trường hợp hư hại da do ánh sáng (hình 1, 2), tăng sắc tố, các đường nhăn mảnh, khô, nước da và màu da.
Các nghiên cứu khác đã chứng minh sử dụng 50% acid glycolic cải thiện nhẹ lão hóa da do ánh sáng. Nhìn chung, đối với thay da nhẹ, acid glycolic (50%) được sử dụng tại chỗ trong 5 phút ở một bên mặt, cẳng tay, bàn tay 1 lần/ tuần trong vòng 4 tuần. Những cải thiện đáng kể được quan sát thấy là giảm cấu trúc thô ráp và nếp nhăn mịn, giảm dày sừng quang hóa và làm sáng các đốm lão hóa quang hóa.
Hình 1. Sự cải thiện hư hại da do ánh sáng sau khi thay da (trước và sau)
Hình 2. Sự cải thiện sau khi thay da (trước và sau)
KỸ THUẬT THAY DA
Trước khi sử dụng acid glycolic, da cần được làm sạch bằng cồn để giảm nguy cơ acid bị trung hòa bởi da dầu. Acid glycolic được sử dụng bao phủ toàn mặt trong khoảng 20 giây bằng một miếng cotton lớn. Thời gian đầu sử dụng khoảng hàng tuần hoặc hàng tháng với 50-70% acid glycolic không đệm trong vòng 3 phút và thời gian được tăng lên ở những lần thay da tiếp theo. Dùng dung dịch trung hòa là natri bicarbonate không có ưu điểm nhiều hơn dùng nước, miễn là tất cả acid được loại bỏ triệt để là được. Acid glycolic được sử dụng đồng thời với TCA đại diện cho kỹ thuật khác đối với thay da độ sâu trung bình. Vài tuần trước khi thay da, da phải được chuẩn bị với tretionin hoặc acid glycolic tại chỗ, và ngay trước khi thay da, da có thể được tẩy nhờn bằng một số chất khác nhau. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng kết hợp chất thay da acid trichloroacetic- acid glycolic thường được thực hiện như một liệu trình duy nhất để loại bỏ dày sừng quang hóa, các nếp nhăn mịn hoặc rối loạn sắc tố hoặc làm phẳng các sẹo lõm. Những chất thay da này có thể được lặp lại khoảng mỗi 6-12 tháng dựa trên lượng hư hại quang hóa còn lại hoặc tái phát sau khi thay da hoặc để tiếp tục làm mờ sẹo.
Do TCA ở nồng độ cao có xu hướng gia tăng sẹo và giảm sắc tố nên dung dịch acid glycolic 70% đã được sử dụng cho toàn bộ mặt của bệnh nhân và pha loãng với nước sau 2 phút. Việc này được làm sau khi sử dụng tuần tự kem EMLA (lidocaine 2.5% và prilocaine 2.5%) hoặc kem ELA-Max khoảng 30 phút. Sau đó, những chất này được loại bỏ và 35%TCA được sử dụng cho toàn mặt.
Những bệnh nhân bị nám (hình 3) đã sử dụng các kem chống nắng tại chỗ (SPF 15) và lotion 10% acid glycolic buổi tối khoảng 2 tuần. Sau đó, họ được điều trị với 50% acid glycolic 1 lần/ tháng trong 3 tháng liên tục. Vào những khoảng thời gian đều đặn và cuối giai đoạn theo dõi (3 tháng) sau khi thay da lần cuối, mức độ cải thiện sắc tố được đánh giá bằng cách đo MASI (chỉ số đo mức độ nghiêm trọng và diện tích nám). Ở những bệnh nhân bị mụn (hình 4), thay da sử dụng dung dịch 70% acid glycolic khoảng 2-8 phút. Số lượng và tần suất sử dụng tùy thuộc vào mức độ đáp ứng lâm sàng. Sự cải thiện nhanh nhất đã được quan sát thấy ở da mụn dạng mụn mủ (hình 5).
Hình 3. Nám vùng trán
Hình 4. Mụn bọc, mủ
Hình 5. Mụn bọc, mủ trước và sau thay da
Mặc dù các dạng mụn nang, mụn bọc đòi hỏi 8-10 lần sử dụng nhưng sự cải thiện đáng kể trong những trường hợp sẹo bề mặt để lại sau khi bị mụn trứng cá đã được ghi nhận. Liệu trình này đã dung nạp tốt và sự bằng lòng của bệnh nhân cũng rất tốt. Trong điều trị sẹo lõm do mụn (hình 6), acid glycolic được sử dụng lặp đi lặp lại (ít nhất 6 lần) ở nồng độ 70% là cần thiết để có được sự cải thiện rõ rệt. Sử dụng lâu dài mỗi ngày các sản phẩm có hoạt lực yếu cũng có thể có một số hiệu quả hữu ích trên các sẹo và có thể được chỉ định cho những bệnh nhân không dung nạp tốt với liệu trình thay da (hình 7).
Hình 6. Sẹo lõm do mụn trứng cá
Hình 7. Sẹo mụn trứng cá trước và sau điều trị với acid glycolic 70%
Những bệnh nhân với các loại da khác nhau (I-V) có tình trạng rạn trên bụng hoặc đùi có thể sử dụng acid glycolic 20% tại chỗ mỗi ngày cho toàn bộ vùng điều trị. Ngoài ra, những bệnh nhân này sử dụng 10% acid L-ascorbic, 2% kẽm sulfat và 0,5% tyrosine cho nửa diện tích vùng điều trị và 0,05% kem dưỡng ẩm tretinoin cho nửa kia của vùng điều trị. Loại kem này được sử dụng mỗi ngày trong 12 tuần. Sự cải thiện được đánh giá ở tuần 4-12 với lượng elastin gia tăng bên trong trung bì nhú và trung bì lưới. Pseudofolliculitis barbae là một phản ứng viêm ngoài cơ thể xung quanh lông mặt mọc ngược do kết quả của quá trình cạo. Sử dụng tại chỗ lotion acid glycolic là phương pháp điều trị hiệu quả và cho phép bệnh nhân tiếp tục cạo mỗi ngày. Ở những bệnh nhân có bệnh vẩy nến, sự kết hợp lotion 10% acid glycolic cho da đầu được sử dụng cũng như 0,1% betamethasone, sử dụng 2 lần mỗi ngày trong vòng 8 tuần mà không cần băng lại.
CHĂM SÓC SAU THAY DA VÀ BIẾN CHỨNG
Sau khi thay da, da được theo dõi cẩn thận những biến chứng như tăng sắc tố và nhiễm trùng. Những kết quả được duy trì với những liệu trình nối tiếp và bằng cách sử dụng tretinoin và acid glycolic tại nhà cũng như tránh ánh nắng mặt trời.
NHỮNG BẤT LỢI
Thông qua tiền sử bệnh nhân và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ xác định yếu tố cụ thể nào đó như thuốc, những liệu trình trước đó và tình trạng hiện tại có thể ảnh hưởng đến kết quả của quá trình thay da. Các biến chứng của acid glycolic như tăng sắc tố và nhiễm trùng rất hiếm. Chất thay da hóa học với acid glycolic có thể gây ra triệu chứng kích ứng, đặc trưng bởi đau nhức, nóng, ngứa.
Một chất có khả năng chống lại kích ứng về mặt cảm giác là stronti nitrate ở nồng độ 20% được sử dụng tại chỗ với 70% acid glycolic, có khả năng ức chế cảm giác kích ứng gây ra do chất hóa học. Hơn nữa, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng acid glycolic có thể gây ra sự gia tăng mức độ tổn thương da kiểu phụ thuộc thời gian và liều lượng. Liều thấp (1-3mg/cm2) acid glycolic gây ra ban đỏ và vảy nhiều nhất, trong khi liều cao hơn (5-7mg/cm2) acid glycolic gây đỏ, phù nề và viêm loét hoại tử. Acid glycolic cũng gia tăng độ dày của lớp biểu bì, giảm sự tổ chức lại lớp sừng và cuối cùng phá hủy một số phần của lớp biểu bì ở 7mg/cm2. UVB gây ra đỏ và phù nề, cũng làm giảm tính toàn vẹn của lớp sừng. Acid glycolic tăng cường sự phá hủy da gây ra bởi UVB mà không kèm theo sự sản xuất PGE hoặc sự biểu hiện của protein COX-2. Do đó nên thận trọng khi sử dụng kéo dài acid glycolic hoặc ở lượng quá lớn. Hơn nữa, những người có da nhạy cảm ánh sáng, đặc biệt là tiếp xúc với ánh nắng cần phải cẩn thận. Tuy nhiên, sự nhạy cảm ánh sáng này có thể được đảo ngược trong vòng 1 tuần sau khi chấm dứt điều trị. Những nghiên cứu điều tra trong phòng thí nghiệm hiếm khi cho thấy sự thiếu hụt complex I khi phosphoryl hóa oxy hóa ty lạp thể của bệnh nhân, những người đã có dấu hiệu tái phát đặc trưng bởi buồn nôn, ói mửa và các dấu hiệu của sự mất nước bắt buộc phải nhập viện. Ở những bệnh nhân này, acid glycolic được phát hiện trong máu và họ đã được chẩn đoán là có nhiễm độc ethylen glycol.
CÁC TÁC DỤNG PHỤ
Các tác dụng phụ như tăng sắc tố tạm thời hoặc kích ứng thường không đáng kể.
KẾT QUẢ
Tóm lại, acid glycolic là một chất trong nhóm acid alphahydroxy, cung cấp liệu pháp hỗ trợ quan trọng trong các rối loạn về da. Nó được sử dụng rộng rãi trong thay da hóa học ở nhiều nồng độ khác nhau, dao động từ 20-70%. Acid glycolic có thể được sử dụng đồng thời với TCA, đại diện cho một kỹ thuật khác đối với thay da độ sâu trung bình. Acid glycolic cũng được sử dụng trong các kem tự điều trị tại nhà. Do những biến chứng như tăng sắc tố, nhiễm trùng, kích ứng và nhạy cảm ánh sáng là rất hiếm nên acid glycolic thường dung nạp tốt.