CHĂM SÓC DA SAU LIỆU PHÁP THAY DA SINH HỌC (PHẦN II)
Đặc điểm hóa học của DMAE
DMAE (còn được gọi là deanol, dimethylethanolamine và norcholine) là một phân tử nhỏ có đặc tính thân nước. Trọng lượng phân tử thấp (89.1) cho phép nó xâm nhập vào bên trong da dễ dàng. DMAE là một tiền chất của acetylcholine (Ach) thông qua choline (hình 3.9). Nó là một chất lỏng nhớt, trong suốt như nước và thường được cho rằng có mùi amoniac, tuy nhiên thực tế nó làm liên tưởng đến mùi cá đã quá hạn sử dụng nhiều hơn. Cá cơm, cá mòi và cá hồi là những nguồn tự nhiên quan trọng của DMAE, thành phần này tồn tại tự nhiên trong cơ thể người và các dấu vết của nó được tìm thấy ở não. DMAE có tính base mạnh (pH khoảng 11) do vậy không thể được sử dụng ở dạng nguyên chất bởi có nguy cơ cao gây bỏng hóa học trên da, nó cần phải được trung hòa trở về pH 7 cho mục đích dùng ngoài. Nhiều dẫn chất đã được tổng hợp (ví dụ: DMAE bitartrate hay acetamidobenzoate) để giảm tính kiềm của DMAE, tuy nhiên những chất này lại thích hợp sử dụng đường uống hơn là dùng ngoài da.
Hình 7. Cấu trúc hóa học của DMAE, choline và acetylcholine
Các công thức DMAE thường chỉ nêu ra tổng lượng dẫn chất DMAE sử dụng, trong đó trọng lượng dạng nguyên chất chỉ chiếm một phần nhỏ. Ví dụ, trong 100mg DMAE cyclohexylcarboxylate chỉ chứa 33mg DMAE nguyên chất trong khi 350mg DMAE bitartrate cũng chỉ chứa 130mg DMAE nguyên chất.
Tác dụng phụ và thận trọng
pH cao của DMAE cho thấy dạng tinh khiết của thành phần này không nên được tiếp xúc với các acid mạnh, màng nhày cũng như mắt. DMAE tinh khiết cũng không tương hợp với đồng và kẽm. Ngoài ra, thành phần này cũng dễ bay hơi, nên được bảo quản trong các ống kín hơn là chai lọ. Một vài trường hợp viêm da dị ứng đã được báo cáo sau khi tiếp xúc kéo dài với nồng độ cao DMAE, bên cạnh đó cũng cần phải chú ý thận trọng khi sử dụng thành phần này xung quanh mí mắt của các đối tượng dị ứng dù cho ở liều an toàn. DMAE không được xem là tác nhân gây ung thư, xúc tác ung thư hay ức chế miễn dịch. Phơi nhiễm kéo dài với khói DMAE tại nơi làm việc có thể gây nên các vấn đề về thị giác.
Độc tính
DMAE đã được sử dụng khá nhiều bằng đường uống. Dạng thông dụng nhất là viên 100mg dùng trong điều trị các rối loạn nhận thức liên quan đến chứng mất trí nhớ do tuổi già với liều 600 mg/ngày. Liều LD50 đường uống đối với chuột là 2 g/kg. LD50 ở thỏ đường dùng ngoài da là 1.370 mg/kg. Đối với đường tiêm dưới da ở chuột, LD50 là 961 mg/kg. Trong nghiên cứu lâm sàng ở người, liều uống 1600 mg/ngày không cho thấy bất kỳ tác dụng phụ nào. Liều dùng ngoài da không hề gần với giới hạn độc tính lý thuyết, nó chỉ khoảng 30-50 mg 1-2 lần/ngày để cải thiện độ căng cũng như mang lại hiệu ứng nâng cơ. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng việc thoa ngoài da dù mang lại hiệu quả thế nào đi nữa cũng không thể so sánh được với các quy trình phẫu thuật.
Các dung dịch DMAE và N,N-dimethylisopropanolamine (DMIPA) được sử dụng ở nồng độ cao (45-50%) trong công nghiệp đặc biệt là ngành in ấn. Chúng được dùng ở dạng xịt và một nghiên cứu đã được thực hiện về ảnh hưởng của chúng trong việc hình thành sự mờ đục giác mạc ở những công nhân trong một số kiểu in ấn nhất định. Các kiểm tra trên mắt đã cho thấy có sự xuất hiện liên tục nhưng có hồi phục của tình trạng mờ đục giác mạc giới hạn ở các vùng giác mạc tiếp xúc với hơi của các dung dịch nói trên trong không khí và chỉ tồn tại trong vài giờ. Một nghiên cứu hoàn chỉnh đã được thực hiện chứng minh nguyên nhân nằm ở DMIPA và hoàn toàn không liên quan đến DMAE. Việc giảm nồng độ của DMIPA mà không thay đổi nồng độ của DMAE đã giải quyết được vấn đề và không còn ảnh hưởng thị giác nào được ghi nhận.
DMAE cũng đã được khẳng định là có khả năng gây quái thai. Các nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi: một số chứng minh rằng DMAE có thể gây quái thai trên phôi chuột ở liều cao trong khi các nghiên cứu khác cho thấy không có bằng chứng nào đối với độc tính của thành phần này ở loài gặm nhấm. Hiện nay dường như vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy khả năng gây quái thai của DMAE trên người, dù cho nó được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp.
Tác dụng trên da
Việc dùng ngoài da DMAE mang lại hiệu ứng căng da và làm săn chắc da khá rõ ràng, thường được gọi là “hiệu ứng nâng cơ”. Tác dụng này có thể được cảm nhận ngay trong 20-30 phút sau khi sử dụng và khi thử nghiệm bằng cách chỉ dùng cho một bên mặt, sự khác nhau về độ căng da giữa hai bên mặt có thể được nhận thấy rõ. Hiệu quả căng da sẽ tiếp tục được nâng cao trong suốt 6 tháng đầu tiên với tần suất sử dụng 2 lần/ngày (mức độ tùy vào cơ địa) và duy trì ổn định trong khoảng 4-8 tuần sau khi ngừng sử dụng. Kết quả này cho thấy rằng dường như sản phẩm có khả năng tích tụ và dự trữ bên trong da.
Các kiểu tác động dự đoán của DMAE
DMAE là một tiền chất của choline và đồng thời có khả năng ức chế sự chuyển hóa của choline trong mô. Khi cơ thể có nhiều choline, cơ chế phản ứng tự nhiên có thể dịch chuyển cân bằng sang hướng tăng cường tổng hợp ACh nhiều hơn. Ngoài ra, DMAE còn có khả năng kích thích hoạt động của đại thực bào và cải thiện khả năng phòng vệ của làn da. Cơ chế hoạt động của DMAE vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, do vậy một số giả thuyết đã được đưa ra với nhiều nỗ lực nhằm có được cách hiểu thích hợp nhất cho hiệu ứng căng da này.
Tác động trên cơ vân vùng mặt
Botulinum toxin (BTX) (được dùng để “làm mượt mà làn da”) ảnh hưởng trên ACh giống như DMAE mặc dù tác động ngược lại so với thành phần này. BTX thư giãn cơ trong khi DMAE làm tăng trương lực cơ. Hai thành phần này do vậy tương kỵ nhau? Thực tế không phải vậy bởi chúng hướng đến các mục tiêu khác nhau, các tế bào cơ được bất hoạt bởi BTX không phải là những đối tượng được DMAE lựa chọn hoạt hóa. BTX là một phân tử lớn có trọng lượng phân tử cao do vậy không thể đi sâu vào da khi được dùng ngoài da. Để có được hiệu quả thẩm mỹ, BTX phải được tiêm trực tiếp vào các bó cơ muốn làm tê liệt. BTX không ảnh hưởng đến các lớp cấu trúc da bởi tác động của nó là ngăn chặn sự dẫn truyền thần kinh ở khớp thần kinh cơ của cơ vân từ đó hạn chế các biểu hiện co cơ trên mặt làm biểu lộ các nếp nhăn.
BTX phát huy tác dụng ở cơ ngay lập tức và không có cơ hội khuếch tán xuyên qua lớp mỡ dưới da. Mặt khác, DMAE là một phân tử nhỏ thân nước với trọng lượng phân tử chỉ 89.1 giúp nó dễ dàng xâm nhập qua lớp biểu bì vào lớp trung bì, tuy nhiên không thể thấm vào lớp mỡ dưới da. DMAE không thể tác động lên các nhóm cơ vân mang chức năng tạo biểu hiện cảm xúc trên mặt, và do vậy không ảnh hưởng đến tác dụng của BTX. Giả thuyết sinh lý này được khẳng định trên lâm sàng khi hai thành phần được sử dụng đồng thời với nhau. Các tính chất hóa lý của DMAE mang lại cho nó sự tương đồng cấu trúc tuyệt vời với lớp biểu bì và trung bì. Với giả thuyết về khả năng dự trữ của DMAE trong da, thành phần này chỉ có thể khu trú ở các lớp sâu của biểu bì, bởi nếu nằm ở trung bì, chúng sẽ dễ dàng bị loại bỏ bởi quá trình tái hấp thu tĩnh mạch hoặc bạch huyết do radient nồng độ của nó.
Mục tiêu tác động, đặc tính cũng như các kiểu tác động khác nhau không làm cho BTX và DMAE trở nên tương kỵ, việc sử dụng đồng thời sẽ không làm ảnh hưởng đến tác dụng của nhau. Không có mối liên hệ nào giữa tình trạng chảy xệ da, nhão cơ do tuổi tác và sự thiếu hụt ACh trong cơ được ghi nhận. Do vậy, bất kỳ tác động nào của DMAE trên cơ vân không những có vẻ không ảnh hưởng mà còn trở nên vô nghĩa. Vì vậy, cần phải tìm hiểu các cơ chế tác động khác ngoài kích thích cơ, đặc biệt là khi đã có nhiều báo cáo về sự cải thiện hiệu quả trong cấu trúc cũng như nét trẻ trung của vùng da xung quanh mắt và môi chỉ một vài ngày sau điều trị. Mặc dù tác dụng làm tê liệt cơ (hoặc giảm trương lực cơ) của BTX “làm mượt mà” làn da được chấp nhận, việc tuyên bố rằng kích thích chính các nhóm cơ đó bằng DMAE có thể mang lại các kết quả tương tự là không logic. Thay vào đó cần phải chuyển sang một hướng khác: trong cấu trúc da có thụ thể cholinergic.