LASER TRONG ĐIỀU TRỊ SẸO (Phần I)
Sẹo là một mối quan tâm chung của nhiều bệnh nhân cũng như các bác sĩ da liễu. Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị sẹo nhưng vẫn còn ít các nghiên cứu lớn kiểm chứng tính hiệu quả và quy chuẩn các phương pháp này. Hiện nay, các phương pháp điều trị bao gồm thuốc thoa tại chỗ hoặc tiêm corticoid, 5-FU hoặc bleomycin, gel silicon, áp lạnh, bức xạ, phẫu thuật và laser. Các phương pháp khác bao gồm sử dụng các yếu tố tăng trưởng, chất ức chế COX-2 và các thuốc kháng viêm không corticoid khác, thuốc ức chế tổng hợp collagen, thuốc ức chế men chuyển, minocyclin và liệu pháp gen vẫn còn đăng được nghiên cứu. Việc điều trị sẹo lý tưởng là giải quyết được cả 2 vấn đề là cơ chế hình thành sẹo và tính chất cơ học hay vật lý của vết sẹo.
Những tiến bộ trong công nghệ laser giúp các chuyên gia thẩm mỹ điều trị được nhiều vấn đề về da, sẹo cũng nằm trong số đó. Hầu hết các tiến bộ gần đây khám phá việc sử dụng laser hiệu quả trong việc ngăn ngừa hình thành sẹo. Tuy nhiên, khi sẹo đã hình thành cũng có một số laser được dùng miễn sao các chuyên gia lựa chọn được loại laser thích hợp cho tình trạng của từng bệnh nhân.
Trong bài viết này sẽ đề cập tới việc sử dụng laser trong việc ngăn ngừa hình thành sẹo và làm cho vết sẹo tối thiểu nhất. Lần lượt các loại sẹo sẽ được trình bày với các laser từ mới đến cũ.
Các loại sẹo
Sẹo lồi, phì đại
Sẹo lồi, phì đại là một vấn đề thường gặp, đặc biệt ở những người Châu Phi hoặc Châu Á. Mặc dù cả sẹo lồi và sẹo phì đại đều cứng và lắng đọng collagen, glycoprotein, chúng vẫn khác nhau ở một vài khía cạnh lâm sàng và mô học. Trên lâm sàng, sẹo phì đại để chỉ các vết sẹo từ trắng đến hồng có ranh giới vẫn nằm trong giới hạn của vết thương ban đầu. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng 1 tháng sau khi bị thương và có xu hướng cải thiện theo thời gian. Ngược lại, sẹo lồi thường màu đỏ đậm tới màu tím, ranh giới sẽ mở rộng ra ngoài vết thương ban đầu và thường không thoái biến một cách tự nhiên. Trong thực tế, sẹo lồi có xu hướng tái phát sau khi cắt bỏ. Về mặt mô học, cả hai loại sẹo phì đại và lồi đều được đặc trưng bởi tăng lắng đọng collagen. Tuy nhiên, sự khác biệt của 2 loại sẹo này nằm ở trong tổ chức của các sợi collagen và ma trận sắp xếp chúng. Sẹo lồi có hệ thống ma trận collagen sắp xếp vô tổ chức hơn các vết sẹo phì đại.
Laser điều trị sẹo phì đại
Sẹo phì đại và sẹo lồi nhìn chung là khó điều trị. Như đã nêu ở trên, sẹo phì đại có xu hướng cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, để đẩy nhanh sự cải thiện của chúng, nhiều phương pháp điều trị đã được sử dụng tương tự như sẹo lồi nhưng kết quả hạn chế hơn. Các phương pháp bao gồm corticoid, 5-FU, imiquimol, phẫu thuật lạnh, xạ trị, áp suất, acid retinoic và kem hoặc gel silicon. Nhiều phương pháp trong số này có thể đem đến những kết quả không đáng tin cậy và có thể gây ra các biến chứng như teo da hoặc tăng sắc tố.
Từ những năm 1980, laser đã được sử dụng trong điều trị sẹo phì đại và sẹo lồi. Đầu tiên, laser được sử dụng với mục đích đưa sóng laser CO và argon để hạn chế chấn thương nhiệt cho mô. Tuy nhiên, hai loại laser này không hiệu quả trong điều trị sẹo lồi và tỷ lệ tái phát cao khi điều trị sẹo phì đại. Kết quả hứa hẹn hơn khi sử dụng laser PDL kết hợp cùng máy làm lạnh cho phép chọn lọc không gian của hiệu ứng nhiệt. PDL từ đó đã trở thành sự lựa chọn cho việc điều trị sẹo phì đại và sẹo lồi vì được chứng minh cải thiện kết cấu, kích thước, màu sắc và hình dạng của sẹo. Hiệu quả được cho là do sự sửa chữa collagen trong sẹo từ việc gây đông tụ máu tại các mô phì đại.
Hầu hết các vết sẹo phì đại có cải thiện trung bình từ 50-80% sau 2 liệu trình điều trị bằng laser. Trong đó sẹo lồi cần nhiều lần trị liệu và/hoặc những phương pháp hỗ trợ khác bao gồm cả phẫu thuật để đạt được kết quả mong muốn. Điều này được giải thích bởi sự khác biệt mô học giữa hai loại sẹo này, sẹo lồi có số lượng mạch máu dưới da ít hơn từ đó gia tăng kháng lực với PDL, gây ra hoại tử đông máu. Tiêm corticoid, 5-FU và hydroquinon có thể hỗ trợ hiệu quả khi điều trị bằng laser. Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh hiệu quả điều trị đã tăng khi kết hợp tiêm corticoid khi điều trị bằng PDL 585nm.
Khi sử dụng PDL trong điều trị sẹo, mật độ năng lượng nằm trong khoảng 6,0-7,5 J/cm2 (spot size từ 5-7mm) và 4,5-5,5 J/cm2 (spot size 10mm). Khi điều trị trên bệnh nhân có da sẫm màu nên giảm các thông số đó khoảng 10% trong liệu trình đầu tiên. Nếu đáp ứng không đạt được, có thể tăng lên 10% trong các liệu trình tiếp theo. Tuy nhiên, nếu có hiện tượng đóng mài, bong tróc hoặc rỉ máu/ huyết tương xảy ra, tần số cần phải được điều chỉnh lại trong các lần điều trị tiếp theo. Việc điều trị nên được thực hiện trên toàn bộ vết sẹo một cách liên tục, tránh chồng lấn lên nhau. Bệnh nhân sẽ có cảm giác như có sợi thun siết chặt làn da với sự nóng rát thoáng nhẹ trong khoảng 15-30 phút, hiện tượng này có thể được cải thiện khi dùng các túi chườm lạnh. Điều trị nhiều lần là cần thiết, cách điều chỉnh thông số có thể tham khảo ở phía trên.
Hình 1. Sẹo phì đại trước (a) và sau (b) điều trị với PDL
Laser fractional không bóc tách với bước sóng trong khoảng 1540 – 1550 nm hứa hẹn nhiều khả quan cho việc điều trị sẹo phì đại. Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của điều trị sẹo phì đại và đốt các vết sẹo bằng công nghệ fractional đã bắt đầu được nhắc tới trong các tài liệu lý thuyết. Một loạt các cải thiện được quan sát thấy sau từ 2-3 liệu trình trên 8 bệnh nhân. Một nghiên cứu ngẫu nhiên đánh giá 17 vết sẹo bỏng (với 5 mức độ phân loại) sử dụng laser fractional không bong tróc bước sóng 1540 nm cho thấy cải thiện đáng kể sau 3 liệu trình điều trị. Tuy nhiên, cũng có một số tác dụng phụ và không cải thiện về sắc tố có thể xảy ra.
Gần đây, laser fractional bong tróc bề mặt đã được sử dụng để điều trị sẹo phì đại và có khả năng sẽ được phát triển thành con đường đưa thuốc vào da để cải thiện kết quả trong tương lai. Một ca lâm sàng đã được ghi nhận lại với sự cải thiện đáng kể sau lần điều trị duy nhất với laser fractional CO2 trên vết sẹo bỏng.
Hình 2. Sẹo phì đại sau tai nạn moto trước (a) và sau (b) điều trị với PDL, laser Erbium và CO2 ở phần mặt còn lại.