ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ DA DẦU
Hoạt động sản xuất bã nhờn đóng một vai trò quan trọng dưỡng ẩm làn da thông qua việc sản sinh glycerol vốn cần thiết cho tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da. Thêm vào đó, bã nhờn cung cấp lipid cho bề mặt biều bì, có thể hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng mất nước xuyên biểu bì (transepidermal water loss – TEWL). Tuy nhiên, sự tiết bã nhờn quá mức sẽ gây nên tình trạng da dầu và trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến hình thành mụn.
Đặc điểm da dầu
Da dầu là một tình trạng phổ biến, đặc biệt là ở nhóm tuổi thanh thiếu niên. Những người gặp phải vấn đề này ở mức độ từ trung bình đến nặng phàn nàn rằng họ phải rửa mặt nhiều lần trong ngày, gương mặt trông bóng nhờn sau vài giờ rửa mặt và không thể tìm được sản phẩm chống nắng thích hợp không làm nặng hơn biểu hiện bóng nhờn trên da. Về mặt lâm sàng, da dầu có biểu hiện là sự bóng nhờn, đặc biệt ở vùng chữ T (trán, mũi và cằm) (hình 1). Các tuyến bã nhờn nở rộng dẫn đến một tình trạng được gọi là tăng sản bã nhờn với đặc điểm là các nốt sần 0.5 – 1.5mm cũng ở vùng này trên gương mặt (hình 2). Thêm vào đó, nhiều bệnh nhân cũng cho thấy có sự nở rộng của các lỗ chân lông.
Hình 1. Da dầu thường có biểu hiện bóng nhờn ở vùng chữ T
Hình 2. Sự tăng sản bã nhờn biểu hiện bởi những tuyến bã nhờn nở rộng trông như những nốt sần nhỏ. Chúng có thể bị nhầm lẫn với ung thư biểu mô tế bào đáy
Tuyến bã nhờn
Tuyến bã nhờn là các thực thể đơn hay đa thùy thường kèm theo các nang lông tạo nên một cấu trúc được gọi là đơn vị bã nhờn nang lông (pilosebaceous unit). Số lượng các tuyến bã nhờn duy trì gần như không đổi trong suốt cuộc đời trong khi kích thước của chúng có xu hướng tăng lên theo tuổi tác. Các tuyến bã nhờn rất khác nhau về kích thước và nằm ở khắp các vùng cơ thể, ngoại trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân. Mật độ cao nhất của tuyến bã nhờn được tìm thấy ở vùng mặt và da dầu, ngoài ra một số ít cũng được nhận thấy ở môi. Mặc dù hầu như luôn đi kèm với nang lông, các tuyến bã nhờn cũng được tìm thấy ở những vùng không có cấu trúc lông, chẳng hạn như ở mí mắt được gọi là tuyến meibomian.
Chức năng của bã nhờn
Chức năng chính xác của bã nhờn vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ. Kiến thức hiện tại cho thấy rằng các chức năng của tuyến bã nhờn tỏ ra phức tạp hơn so với suy nghĩ trước đó. Bã nhờn hiện đóng những vai trò quan trọng trong tổ chức ba chiều của các lipid bề mặt da (skin surface lipid – SSL). Sự sản xuất glycerol cần thiết cho việc hydrate hóa làn da với vai trò như một tác nhân ngăn mất nước. Bã nhờn bảo vệ làn da chống lại stress oxy hóa vì nó có chứa vitamin E vốn là một thành phần chống oxy hóa mạnh. Hơn nữa, bã nhờn cũng cho tác dụng kháng khuẩn nhờ vào thành phần IgG (được cho là có khả năng giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn). Tương tự, các tế bào hoạt tính của tuyến bã nhờn – sebocyte – có khả năng sử dụng cholesterol làm chất nền cho việc tổng hợp steroid, đưa ra một chương trình điều tiết các neuropeptide và kiểm soát chọn lọc hoạt động của các hormone và chất lạ sinh học (xenobiotic) trên da. Tầm quan trọng của tuyến bã nhờn cũng như sự tiết bã nhờn trong cân bằng da còn được chứng minh bởi nhiều rối loạn về da khác nhau có kèm theo hoạt động sai lệch của chúng, trong đó phổ biến nhất là tình trạng mụn
Cấu trúc tuyến và sự tiết bã nhờn
Sự tổng hợp và phóng thích lipid của các tế bào sebocyte cần thời gian dài hơn một tuần. Sự thay mới các tuyến bã nhờn ở người lớn tuổi chậm hơn so với những người trẻ. Cấu trúc tuyến bã nhờn gồm có hai loại tế bào: tế bào sản xuất lipid (sebocyte) và tế bào vảy xếp tầng lót biểu mô ống dẫn. Các tế bào sebocyte trải qua 3 giai đoạn để đạt được kích thước hoàn chỉnh gồm giai đoạn chưa biệt hóa, giai đoạn biệt hóa và giai đoạn trưởng thành. Kích thước các tế bào trong tuyến bã nhờn có thể tăng lên gấp 100 đến 150 lần do sự tích tụ lipid. Cơ chế tiết của tuyến bã nhờn là toàn tiết (holocrine) thông qua sự vỡ các tế bào sebocyte. Ở người, bã nhờn là một sản phẩm bài tiết chứa cholesterol, ester của cholesterol, acid béo, diglyceride và triglyceride cùng với hai thành phần duy nhất không được sản xuất ở bất kỳ vùng nào khác của cơ thể là các ester của sáp và squalene.
Các yếu tố dẫn đến tình trạng da dầu
Cơ chế chính xác của sự sản xuất bã nhờn vẫn chưa được hiểu rõ, tuy nhiên các yếu tố ảnh hưởng được xem xét khá đa dạng. Retinoid, hormone và các yếu tố tăng trưởng ảnh hưởng đến hoạt động và sự biệt hóa của tuyến bã nhờn. Các androgen từ lâu đã được cho rằng đóng vai trò nhất định trong quá trình này vì sự tiết bã nhờn sẽ tăng lên khi bắt đầu giai đoạn dậy thì cũng như có sự hình thành mụn ở phụ nữ mắc bệnh buồng trứng đa nang. Các đợt bùng phát mụn có xu hướng xảy ra trước chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và một nghiên cứu gần đây cho thấy kinh nguyệt đi kèm với sự giãn nở của ống dẫn bã nhờn, đạt mức tối đa trong quá trình rụng trứng đồng thời lượng bã nhờn tiết ra cũng ở mức cao nhất. Tuy nhiên, vai trò chính của các hormone trong hình thành mụn vẫn chưa rõ ràng vì một số nghiên cứu có tính mâu thuẫn. Testosterone được cho rằng không liên quan trực tiếp đến sự tiết bã nhờn bởi vì mặc dù nam giới có lượng testosterone cao hơn nhiều so với phụ nữ, tỷ lệ tiết bã nhờn chỉ hơi cao hơn một chút. Androgen yếu dihydroepiandrosterone sulfate (DHEAS) có thể đóng vai trò trong hình thành mụn. DHEAS được chuyển thành testosterone bởi một số enzyme được tìm thấy trong các tuyến bã nhờn, bao gồm 5-α-reductase loại 1. Tuy nhiên, tác nhân ức chế 5-α-reductase loại 1 được nhận thấy không mang lại hiệu quả trong điều trị mụn.
Estrogen, insulin, glucocorticoid và prolactin cũng được cho rằng có ảnh hưởng đến chức năng của tuyến bã nhờn, tuy nhiên cơ chế hoạt động vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng. Sự biểu lộ của yếu tố tăng trưởng insulin 1 (IGF-1) được cho là đóng một vai trò quan trọng trong sự tiết bã nhờn thông qua việc kích thích sự tổng hợp lipid của tuyến này. IGF-1 làm tăng sự biểu lộ của một yếu tố là sterol response element-binding protein-1 (SREBP-1). SREBP-1 điều hòa nhiều gen liên quan đến tổng hợp sinh học lipid và sự biểu lộ của nó làm kích thích quá trình tổng hợp lipid trong các tế bào sebocyte. Một vài receptor được phát hiện gần đây chẳng hạn như các liver X receptor (LXRs) và các peroxisome proliferator-activated receptors (PPARs) đã được chứng minh có ảnh hưởng trên chuyển hóa lipid và tăng cường sản xuất bã nhờn thông qua các chất chủ vận của chúng. Cùng với sự phát triển của các công nghệ và kỹ thuật dùng trong nghiên cứu, những vấn đề liên quan đến hoạt động tiết bã nhờn có thể sẽ được làm rõ hơn trong tương lai.
Stress và sản xuất bã nhờn
Vào năm 1972, stress đã được chứng minh có kèm theo sự gia tăng lượng acid béo tự do trong da. Kể từ đó, nhiều nghiên cứu đã đã được thực hiện để đánh giá vai trò của stress trong sự tiết bã nhờn và mụn. Corticotropin-releasing hormone (CRH) (còn được biết là hormone stress) đã được tìm thấy trong các tuyến bã nhờn cùng với các receptor CRH-R. CRH thúc đẩy trực tiếp sự tổng hợp lipid đồng thời tăng cường chuyển đổi các DHEAS thành testosterone trong các tế bào sebocyte. Nó được cho rằng đóng một vai trò quan trọng trong mối liên hệ giữa stress và sản xuất bã nhờn. Tuyến bã nhờn cũng sỡ hữu các receptor của hợp chất P – một chất trung gian thần kinh được phóng thích trong đáp ứng với stress. Trong thử nghiệm in vitro, hợp chất P cho thấy khả năng kích thích tiết bã nhờn. Do vậy, nó được cho rằng đóng vai trò nhất định trong sự hình thành mụn như một đáp ứng với stress.
Bã nhờn và di truyền
Một điều thú vị là sự sản sinh bã nhờn cũng bị ảnh hưởng bởi gen di truyền. Vào năm 1989, Walton và cộng sự gợi ý trong một nghiên cứu rằng sự hình thành mụn có thông qua trung gian các yếu tố di truyền đồng thời bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường. Nghiên cứu của họ trên 20 cặp song sinh đồng hợp tử và 20 cặp song sinh dị hợp tử cho thấy sự sản sinh bã nhờn bằng nhau ở 20 cặp song sinh giống nhau. Tuy nhiên, những cặp song sinh này biểu hiện mức độ nghiêm trọng của mụn khác nhau, từ đó cho thấy có sự ảnh hưởng của yếu tố môi trường trong hình thành và phát triển mụn. Ngược lại, các thông số tiết bã nhờn và mức độ nghiêm trọng của mụn ở 20 cặp song sinh không giống nhau thì rất khác biệt. Nghiên cứu này gợi ý rằng sự tiết bã nhờn bị kiểm soát bởi yếu tố di truyền, tuy nhiên các yếu tố môi trường cũng đóng vai trò trong sự hình thành mụn.
Tính trội của một alen của gen cytochrome P450 gần đây đã được báo cáo trên những bệnh nhân cường sản sinh bã nhờn. Cytochrome P450 là hệ thống enzyme tham gia vào chuyển hóa của một loạt các hợp chất nội sinh và ngoại sinh. Một sự đột biến của cytochrome P450 có thể thúc đẩy sự thoái hóa của các retinoid tự nhiên vốn có thể gây rối loạn sự hoàn thiện của tuyến bã nhờn cũng như hoạt động của nó, từ đó gây ra tình trạng da dầu.