BỆNH BÉO PHÌ ẢNH HƯỞNG ĐẾN LÀN DA

Béo phì có liên quan đến một số vấn đề về da như bệnh gai đen, mụn thịt, dày sừng nang lông, cường androgen và chứng rậm lông, rạn nứt da và bệnh phì đau với sự tái phân bố mỡ.

Bệnh gai đen

Bệnh gai đen là một tình trạng thường gặp nhất về da ở bệnh nhân béo phì. Tình trạng này có thể xuất hiện các mảng da bị tăng sắc tố, phẳng và đối xứng ở nhiều nơi, thường thấy nhất ở đùi, háng và phía sau cổ nhưng cũng có thể thấy ở khuỷu tay, đốt ngón tay và mặt, khác nhau phụ thuộc vào chủng tộc (Hình 1,2/sách). Mụn thịt được quan sát thấy ở một số khu vực bị ảnh hưởng. Tăng sắc tố được coi như một biểu hiện thứ phát của bệnh gai đen và papillomatosis (một tình trạng bề mặt da tăng nếp gấp bất thường) ở biểu bì hơn là các tế bào sinh sắc tố. Tình trạng tăng sinh da bất thường ở bệnh gai đen liên quan đến tăng insulin huyết và đề kháng insulin. Hud và các cộng sự đã nghiên cứu thấy 74% người bệnh béo phì xuất hiện bệnh gai đen kèm theo insulin huyết tăng cao. Trẻ em béo phì cũng được chứng minh là có tình trạng đề kháng insulin.

 

Hình 1. Bệnh gai đen trên mặt một bệnh nhân béo phì

 

Hình 2. Bệnh gai đen trên khủy tay ở một bệnh nhân béo phì

Đề kháng insulin cũng liên quan đến hiện tượng nam hóa. Tăng insulin hóa làm gia tăng sản sinh androgen ở buồng trứng liên quan đến chứng rậm lông và mụn trứng cá. Ngoài ra bộ ba triệu chứng lâm sàng buồng trứng đa nang, đồi mồi và bệnh gai đen thường xuất hiện. ở những phụ nữ béo phì cường androgen và rậm lông, bệnh gai đen thường gây ảnh hưởng đến âm hộ. Cơ chế làm tăng insulin dẫn đến sự thay đổi lớp biểu bì bắt đầu ở mức độ biểu bì. Tăng lượng insulin tuần hoàn dẫn đến giảm số lượng thụ thể insulin. Các thụ thể insulin “cổ điển” này quy định sự hấp thu glucose, tăng trưởng tế bào, tổng hợp DNA cũng như chuyển hóa protein và chất béo thông qua hoạt tính của tyrosin kinase. Tế bào sinh sừng và nguyên bảo sợi đều làm biểu hiện các receptor insulin giống như các yếu tố tăng trưởng (IGF) – có khả năng gắn kết insulin và kích thích tăng trưởng. Giảm số lượng của thụ thể insulin dẫn đến sự chuyển đổi để tăng sự gắn kết với receptor IGF góp phần vào sự phát triển của bệnh gai đen. Các nốt trong bệnh gai đen có thể được quản lý bằng cách cải thiện nồng độ insulin huyết. Điều trị với chế độ ăn ít calo và giảm cân có thể cải thiện tình trạng đề kháng insulin, do đó làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị khác đã được khuyến cáo để giúp làm giảm bệnh gai đen bao gồm metforrm, octretide, retinoid, canxipotriol dùng ngoài và liệu pháp laser.

Mụn cơm có cuống (Acrochordon)

Mụn cơm có cuống là các nốt màu nâu mềm thường xuất hiện ở cổ, móng tay và háng; chúng thường đi kèm với bệnh gai đen. Trong một nghiên cứu trên 156 bệnh nhân béo phì cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bệnh gai đen tỷ lệ thuận với độ nặng của bệnh béo phì. Nói chung, mụn cơm có cuống có liên quan chặt chẽ với bệnh tiểu đường hơn là bệnh béo phì. Kahana và các cộng sự không tìm thấy bằng chứng cho thấy sự gia tăng bệnh ở bệnh nhân béo phì nhưng bệnh nhân bị mụn cơm có cuống ảnh hưởng lên sự chuyển hóa carbohydrate. Độ nhạy cảm insulin cũng được cải thiện khi giảm cân khi các bằng chứng cho thấy BMI càng cao thì nguy cơ đề kháng insulin càng cao. Các nghiên cứu sâu hơn được khuyến khích trong lĩnh vực này. Cắt, sấy điện và liệu pháp làm lạnh cryotherapy được sử dụng thành công cho tình trạng này.

Dày sừng nang lông

Dày sừng nang lông thường xuất hiện dưới dạng các nốt nhỏ, quanh nang lông, có gai xung quanh. Tình trạng này thường đi kèm với chứng tiểu đường dị ứng và dễ gặp ở những người có BMI lớn. Các chuyên gia gợi ý rằng đề kháng insulin có thể đóng vai trò trong sự phát triển của dày sừng nang lông. Các phương pháp điều trị được đề nghi bao gồm retinoid, corticoid nhẹ dùng ngoài và bóc tách lớp sừng.

Cường androgen và chứng rậm lông

Cường androgen có thể là kết quả của sự gia tăng sản xuất androgen nội sinh do tăng lượng mô mỡ (tổng hợp testosteron) và tăng insulin máu (làm tăng sản sinh androgen buồng trứng). Hội chứng nam hóa có thể bao gồm rậm lông, mụn trứng cá, viêm da hậu môn và rụng tóc do androgen. Có mối liên quan giữa chứng nam hóa, bệnh gai đen, dày sừng nang lông và đề kháng insulin. Rutiainen và các cộng sự nghiên cứu thấy rằng sự rậm lông trên da mặt có liên quan đáng kế đến BMI không phụ thuộc vào tuổi và nồng độ testosteron. Điều trị cường androgen cần được quan tâm vấn đề kiểm soát nồng độ insulin, giảm cân, thuốc ngừa thai dạng uống và liệu pháp kháng androgen. Ở những phụ nữ béo phì có tình trạng buồng trứng đa nang, thiazolidiendion có thể giúp cải thiện khả năng đề kháng insulin và cường androgen.

Rạn nứt da

Rạn nứt da là tình trạng da xuất hiện các đường vân có màu sắc khác biệt, vuông góc với lực kéo căng da thường xuất hiện ở ngực, bụng, mông và đùi (Hinh 3/sách). Vết rạn bắt đầu bằng giai đoạn da đỏ trước khi chuyển sang màu tím và cuối cùng là hình thành các rãnh sâu màu trắng. Sinh bệnh học của rạn nứt da vẫn chưa được làm rõ nhưng cơ học, hormon và di truyền là các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong hình thành bệnh. Rạn nứt da xuất hiện ở những bệnh nhân béo phì cũng như các đối tượng khác như phụ nữ mang thai, hội chứng Cushing và sử dụng corticoid.

 

Hình 1. Vết rạn nứt da ở bệnh nhân béo phì trầm trọng

Hsu và các cộng sự của ông đã chẩn đoán tiểu đường ở 40% trẻ em bị béo phì vừa phải đến nặng và cũng thấy rằng tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở những người có thời gian bệnh kéo dài. Simkin và Arce cũng nghiên cứu thấy nồng độ cao hormon adrenocorrticoid ở bệnh nhân béo phì có rạn nứt da cao hơn là những bệnh nhân béo phì khác. Tuy nhiên, lâm sàng học của rạn nứt da đã được Angle và các đồng sự của ông nghiên cứu thấy rằng các vết rạn ở bệnh nhân béo phì thì nông hơn, hẹp hơn và ít teo hơn khi so sánh với hội chứng Cushing. Rạn nứt da có thể được coi như là “sẹo” vì cùng là kết quả của sự tổn thương mô liên kết, sau đó collagen mới được tạo để đáp ứng lại với các lực cơ học của da. Trong thời gian đầu của sự hình thành vết rạn nứt xuất hiện sự tiêu mô đàn hồi, sự di chuyển vào sâu bên trong mô liên kết của các tế bào hạt, đại thực bào; những thay đổi này cũng dễ dàng được quan sát thấy bằng kính hiển vi cũng như các liệu pháp ánh sáng khác. Các đặc trưng về mô bệnh học bao gồm các bó collagen mỏng song song với lớp biểu bì, sự xói mòn của rãnh giữa các bó và sự thiếu hụt của các cấu trúc phụ; những đặc điểm trên càng củng cố quan niệm xem rạn nứt da cũng là một hình thức sẹo. Các phương pháp điều trị hiện nay chưa thật sự hiệu quả, một số tác nhân dùng tại chỗ như kem tretinoin 0.1%, kem tretinoin 0.05% kết hợp với acid glycolic 20% cũng được sử dụng. Liều thấp tretinoin 0.025% chưa thấy hiệu quả. IPL giúp cải thiện tình trạng lâm sàng của rạn nứt da với tác dụng phụ là tối thiểu. Liệu pháp laser có hiệu quả và phụ thuộc vào giai đoạn của tình trạng rạn nứt đang được điều trị. Laser flash-pumped 585nm làm giảm ban đỏ xuất huyết ở giai đoạn đầu và laser excimer 308nm có thể cải thiện được tăng sắc tố liên quan ở những giai đoạn sau. Các vết rạn ở giai đoạn đầu hay sau đều có thể được điều trị bằng PDL với nhiều kết quả khả quan. Cần tránh điều trị bằng laser ở những người có loại da Fitzpatrick IV đến VI vì dễ dẫn đến tăng sắc tố.

Bệnh u mỡ đau (Adiposis dolorosa)

Bệnh u mỡ đau hay bệnh Deercum là một tình trạng tiến triển hiếm gặp được đặc trưng bởi nhiều u mỡ đau dưới da thường xuất hiện ở phụ nữ béo phì, sau mãn kinh. Các u mỡ đau này được phân bố đối xứng và có thể lan tỏa hoặc khu trú. Các u mỡ này có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể ngoại trừ ở đầu và cổ; tuy nhiên thân mình và chi dưới đặc biệt là quanh đầu gối là những vị trí thường gặp nhất. Đặc biệt là mức độ đau không tỷ lệ với số lượng các u mỡ. Mức độ đau tăng theo BMI và những bệnh nhân có cân nặng cao hơn 50% so với con số bình thường ở độ tuổi của họ. Các phát hiện khác của bệnh u mỡ đau bao gồm tăng cảm giác đau, sưng, ngứa, bầm và giãn mao mạch. Bệnh cũng gây ra một số triệu chứng khác như dễ mệt mỏi, yếu sức cũng như trầm cảm, nhầm lẫn và sa sút trí tuệ. Nguyên nhân chưa được làm rõ, tuy nhiên cơ chế chuyển hóa hoặc hệ thống tự miễn dịch được cho là có liên quan. Chẩn đoán muộn bằng siêu âm và chụp cộng hưởng từ. Điều trị thường không hiệu quả. Sự kết hợp giữa dùng thuốc, phẫu thuật và liệu pháp tâm lý được đề nghị. Mục tiêu của các liệu pháp là giải tỏa được cơn đau và phục hồi hình thái ban đầu. Corticoid, lidocain tiêm tĩnh mạch, mexiletin hoặc thuốc giảm đau là những thuốc có thể làm giảm cơn đau. Phẫu thuật loại bỏ hoặc hút mỡ có thể làm giảm cơn đau hiệu quả.

Tái phân bố mỡ trong bệnh béo phì

Trong bệnh béo phì, sự phân bố lại mỡ có một số đặc điểm đặc trưng. Nữ giới thường có tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao hơn nam giới và các mô mỡ ở nữ giới cũng phân bố khác so với nam giới. Nam giới thường tích mỡ ở phần trên của cơ thể. Ngược lại, phụ nữ thì lại thường tích mỡ ở hông và đùi. Sự khác biệt này có ý nghĩa quan trọng đối với bệnh béo phì. Ở cả nam và nữ giới, béo phì hay cân nặng bình thường thì sự gia tăng tích tụ chất béo trong khoang bụng đều liên quan đến sự đề kháng insulin và bệnh động mạch vành. Ở phụ nữ, cường androgen có liên quan mạnh mẽ đến sự phân bố mỡ và để kháng insulin. Bệnh nhân béo phì thường lựa chọn phương pháp hút mỡ – để cải thiện đường cong cơ thể nhưng không được khuyến cáo như một phương pháp điều trị chung cho các bệnh nhân béo phì. Chính vì vậy phương pháp hút mỡ lượng lớn ở bệnh nhân béo phì vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Hút mỡ lượng lớn có thể làm giảm trọng lượng, tuy nhiên có những dữ liệu xung đột liên quan đến việc phương pháp này có cải thiện được sự đề kháng insulin và các rối loạn chuyển hóa có liên quan đến béo phì khác không. Việc hút mỡ lượng lớn có thể liên quan đến sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mô mỡ trong nội tạng, đây là một yếu tố nguy cơ đối với các biến chứng về chuyển hóa của bệnh béo phì. Khi tiến hành thủ thuật này, các bác sĩ phải sử dụng một loại ống lớn và gây mê sâu nên nguy cơ đối với bệnh nhân là khá cao. Các biến chứng thường xảy ra có thể kể đến như da nhiều nếp gấp và nhăn nheo.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sen Spa