Điều trị nám da (phần 4)
Intense pulse light (IPL)
IPL được phát triển từ những năm thập niên 1990s và được tạo ra từ đèn xenon-clorua phát ra ánh sáng không liên tục, không chuẩn trực và bước sóng rộng (500-1200 nm). Ưu điểm của IPL nằm ở tính linh hoạt của các tham số. Bước sóng, tần số, số lượng, thời gian xung, thời gian nghỉ có thể thay đổi cho từng bệnh nhân để đạt được hiệu quả cho từng nhóm mục tiêu khác nhau. Do đó, nó có thể được dùng để điều trị các vấn đề khác nhau như những tổn thương mạch máu, triệt lông và sắc tố. Tuy nhiên, vẫn còn ít các nghiên cứu về việc điều trị nám bằng IPL.
Theo Kawada và các cộng sự, cơ chế hiệu quả của IPL liên quan đến sự hấp thu năng lượng ánh sáng bởi melanin trong tế bào sừng và tế bào sinh sắc tố dẫn đến đông tụ các tế bào biểu bì do hiệu ứng quang nhiệt kèm theo việc tạo ra các tổn thương nhỏ. Các tổn thương nhỏ này chứa melanin sẽ được loại bỏ giúp cải thiện vấn đề về sắc tố.
Zoccali và các cộng sự đã điều trị 38 bệnh nhân nám da bằng cách dùng bước sóng 550 nm, thời gian xung 5-10 ms, thời gian nghỉ 10-20 ms và liều thấp 6-14 J/cm2 và thấy có sự cải thiện ở 47% bệnh nhân. Số phiên thực hiện là 3-5 trong khoảng từ 40-45 ngày. Không có phản ứng phụ nào được quan sát thấy. Moreno Arias và Fernando đã nghiên cứu IPL điều trị nám, điều trị 2 bệnh nhân với nám biểu bì và đạt hiệu quả từ 76-100% với liều 34 J/cm2, độ dài xung 3,8 ms, xung kép và thời gian nghỉ là 20 ms. Tuy nhiên, 3 bệnh nhân nám hỗn hợp thì chỉ giảm 25% ở bước sóng 615 nm, liều 38 J/cm2, độ dài xung 4,5 ms, xung kép, thời gian nghỉ 20 ms. Bệnh nhân thường gặp tác dụng phụ là PIH.
Wang và các cộng sự nghiên cứu trên các bệnh nhân nám được điều trị bằng IPL và hydroquinone so sánh với hydroquinone đơn thuần. Bước sóng 570 nm được dùng ở phiên điều trị đầu tiên và bước sóng 590-615 nm nhắm đến những melanin nằm sâu hơn. Liều được sử dụng khác nhau từ 26-33 J/cm2, chế độ xung kép và độ dài xung là 3-4 và 4-5 ms. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các tác giả dùng các xung chậm (30-35 ms) cao hơn so với các nghiên cứu khác. Nhóm IPL đạt được các đáp ứng đáng kể (39,8%) so sánh với nhóm chứng (11,6%). Hiệu quả điều trị không tương quan với bất kỳ biến số nào, chẳng hạn như độ tuổi, thời gian bị nám hoặc loại da. Ngoài ra, tái phát xảy ra sau 6 tháng cho thấy nhu cầu điều trị duy trì kết quả. Liều điều trị phụ thuộc vào vị trí điều trị, liều cao có thể dùng cho má và liều thấp dùng cho cổ và những khu vực quanh cổ. Liều cao tác động vào melanin sâu nhưng dễ gây PIH ở bệnh nhân da tối màu. Do đó, đối với da tối màu hơn nên sử dụng liều thấp hơn. Các xung đơn dễ tạo ra nhiệt độ cao nên sử dụng xung đôi hoặc xung ba sẽ giảm được tác dụng phụ do nhiệt vì biểu bì sẽ không bị nóng trong khi mục tiêu điều trị lại được tác động. Thời gian xung được dùng trong nghiên cứu trong khoảng 3-5 ms, thời gian giữa các xung là 10-20 ms. Tuy nhiên, Wang và các cộng sự sử dụng thời gian giữa các xung dài hơn (30-35 ms) cho kết quả tốt. Quan trọng là thời gian giữa các xung không nên thấp hơn 10 ms vì điều đó sẽ tăng nguy cơ tổn thương nhiệt vì mô mục tiêu không kịp giảm nhiệt độ trong thời gian đó. Số phiên thực hiện trong nghiên cứu này là khoảng 2-5 với khoảng cách thời gian là 4-8 tuần. Tuy nhiên, cầng thực hiện nhiều hơn nữa để duy trì và giảm nguy cơ tái phát.
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy IPL hiệu quả đối với nám biểu bì, còn đối với nám trung bì và hỗn hợp để tránh PIH thì nên dùng với liều thấp và thời gian nghỉ dài. Ngoài ra, chống nắng và dùng hydroquinone là cần thiết trong quá trình điều trị và sau đó.
Zoccali và các đồng nghiệp đã sử dụng phương pháp nội soi để đánh giá khu vực điều trị ngay sau liệu trình để lựa chọn thông số chính xác bằng sự tăng sắc tố tạm thời (màu xám). Nội soi sau điều trị giúp đánh giá hiệu quả của IPL và quá trình lành vết thương. Nội soi sau IPL có thể chia làm 3 dạng: (1) điểm nhỏ, (2) lưới, (3) phức tạp.