MELANOMA (PHẦN 2)
3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Mọi người đều có thể mắc ung thư hắc tố, tuy nhiên nguy cơ gia tăng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: ánh nắng mặt trời, số nốt ruồi trên da, loại da và lịch sử gia đình (yếu tố di truyền).
Ánh nắng mặt trời
Tia UVA và UVB đều gây nguy hiểm cho da, và có thể gây ung thư da, trong đó có ung thư hắc tố. Đặc biệt, khi còn nhỏ, cháy nắng sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh. Những người sống ở những nơi có số giờ nắng nhiều như Florida, Hawaii và Australia – thường dễ mắc ung thư da; tại một số địa điểm phía Bắc bán cầu, người dân da sáng cũng có khả năng gặp phải một số dạng ung thư da. Không nên lạm dụng nhuộm da vì nó làm tăng tiếp xúc với tia UV, do đó tăng nguy cơ phát triển ung thư hắc tố và nhiều dạng ung thư da khác
Nốt ruồi
Có hai loại nốt ruồi: nốt ruồi bình thường – những điểm nhỏ màu nâu xuất hiện trong vài chục năm đầu đời, chúng có ở gần như tất cả mọi người – và nốt ruồi không điển hình, còn được gọi là các vết chàm bất thường (dysplastic nevi). Nốt ruồi không điển hình có thể là tiền thân của khối u hắc tố. Tuy nhiên, càng nhiều nốt ruồi (dù là loại bình thường), nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Màu da
Những người có màu da sáng (thường mắt và tóc màu sáng) có nguy cơ cao mắc ung thư da.
Tiền sử bệnh
Một khi bạn đã có khối u ác tính, tỉ lệ tái phát bệnh rất cao. Những người đang có hoặc đã có ung thư biểu mô tế bào đáy (basal cell carcinoma) và ung thư tế bào vảy (squamous cell carcinoma) cũng có nguy cơ tiến triển thành ung thư hắc tố.
Hệ thống miễn dịch suy yếu
Hóa trị, tắm nắng quá mức, cấy ghép nội tạng, các bệnh như HIV/AIDS và u lympho gây ra những tổn thương hệ thống miễn dịch, điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư hắc tố.
Lịch sử gia đình
Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển ung thư hắc tố. Cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì có một trường hợp có một thành viên trong gia đình mang tiền sử ung thư hắc tố. Khả năng mắc bệnh tăng 50% ở một người mà có họ hàng đời đầu mắc ung thư hắc tố.
Hội chứng gia đình
FAMMM (Familial Atypical Multiple Mole Melanoma Syndrome) là tình trạng khi các nốt ruồi không điển hình xuất hiện ở một thành viên trong một gia đình có tiền sử mắc ung thư hắc tố. Đây là những người mang nguy cơ phát triển ung thư hắc tố cao nhất. Ngược lại, những người trong gia đình không có nốt ruồi không điển hình ít có khả năng phát triển bệnh.
Yếu tố di truyền
Một đột biến gen BRAF có thể đóng vai trò trong sự hình thành khối u hắc tố. Một nửa trong số các ca bệnh đều chứa gen đột biến này. BRAF được coi như một “công tắc”, vì các đột biến có thể “bật” – hoạt động theo một cách bất thường, dẫn đến sự sinh trưởng không kiểm soát của tế bào và kết quả là ung thư. Việc phát hiện ra BRAF là một bước nghiên cứu đột phá, cùng với sự phát triển của vemurafenib (Zelboraf TM) – thuốc dùng để ức chế BRAF, được FDA chấp thuận vào năm 2011, các bác sĩ và bệnh nhân bắt đầu hiểu hơn về BRAF và phát triển những liệu pháp điều trị bằng thuốc hiệu quả hơn.
Đột biến gen p53 thường được tìm thấy trong những ca bệnh ung thư hắc tố có liên quan tới yếu tố gia đình. Khi gen này ở trạng thái bình thường, nó có chức năng như một chất ức chế khối u, giúp sửa chữa các tế bào hư hỏng để không tiến triển đến ung thư. Tuy nhiên, khi các gen bị biến đổi, nó mất chức năng này và các tế bào phát triển thành ung thư. Một nghiên cứu cho biết, tia UV có thể gây tổn hại p53, làm chúng mất khả năng ức chế các khối u.
Ngoài p53 và BRAF, có một số đột biến gen khác có liên quan tới ung thư hắc tố, đặc biệt là gen CDKN2A(cyclin-dependent kinase inhibitor 2A).
Nốt ruồi trong giai đoạn đầu
Nốt ruồi ở những người thuộc gia đình có tiền sử ung thư hắc tố dễ bị biến đổi tại một thời điểm nhất định trong đời – đây được coi là giai đoạn chúng hoạt động. Nguyên nhân của những thay đổi có thể là do thành phần nội tiết tố: Nốt ruồi hoạt động mạnh hơn ở tuổi dậy thì và trong khi mang thai. Nhiều bác sĩ tư vấn cho các cá nhân có nguy cơ mắc bệnh cao không dùng thuốc nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone.