MỘT SỐ YẾU TỐ CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUY TRÌNH THAY DA HÓA HỌC

Quá trình hồi phục da
Hiểu rõ quá trình hồi phục của làn da sau quy trình thay da cho phép đánh giá các nguy cơ hình thành sẹo, nhiễm trùng và rối loạn sắc tố. Về mặt mô học, quá trình hồi phục da xảy ra theo một chuỗi nghiêm ngặt các giai đoạn khác nhau và quá trình này bắt đầu gần như ngay lập tức ngay khi da bị tổn thương. Đầu tiên, các bạch cầu trung tính tập trung vào vùng điều trị ngay sau khi các chất thay da áp dụng lên da và cư trú ở đó trong vòng 3-5 ngày. Các đại thực bào xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 10 và tế bào lympho thì xuất hiện từ ngày thứ 6 hoặc thứ 7. Quá trình tái tạo biểu mô bắt đầu sớm, chỉ 24 giờ sau quy trình thay da với biểu hiện đầu tiên là sự di chuyển hướng tâm của các tế bào sừng và theo sau đó là sự tăng sinh nhanh chóng các tế bào. Sau giai đoạn tái tạo biểu mô, collagen của da được tái tạo trong khoảng từ 2-3 tháng trở lên.
Tốc độ tái tạo da sau quy trình thay da trung bình phụ thuộc vào nồng độ các đơn vị nang lông – tuyến bã nhờn (PSUs) ở vùng điều trị: vùng mặt có nhiều PSUs, vùng mũi và trán có nhiều PSUs hơn vùng má và thái dương. Theo thống kê, vùng má và thái dương được tỏ ra nhạy cảm hơn với việc hình thành sẹo. Lớp trung bì của mí mắt mỏng hơn tuy nhiên dày hơn so với phần còn lại của vùng mặt, và lớp DEJ (nằm giữa biểu bì và trung bì) cũng phẳng hơn. Vùng da ở mặt trên bàn tay có ít PSUs và cũng ít mỡ dưới da. Vùng da lưng rất dày và lớp trung bì của nó dày đặc collagen, tuy nhiên, lượng PSUs lại ít hơn so với vùng mặt và do đó nguy cơ hình thành sẹo sau quy trình thay da cũng cao hơn. Lớp trung bì ở da phá hủy nghiêm trọng do ánh nắng mặt trời có mật độ tế bào suy yếu, mỏng manh và chậm hơn trong việc trung hòa các acid. Do đó, tác động của các acid xâm lấn gia tăng dẫn đến nhiều rủi ro hơn khi thực hiện các quy trình thay da ở những làn da này so với da khỏe có độ ẩm cao. Ngoài ra, da bị tổn thương quang hóa có PSUs ít hơn và có xu hướng tái tạo, hồi phục chậm hơn.
Trong tình trạng bị băng kín, quá trình hồi phục tổn thương sẽ diễn ra chậm hơn so với khi để hở. Điều này có thể không quan trọng đối với các quy trình thay da biểu bì nhưng lại thật sự cần lưu ý đối với thay da trung bình và sâu. Một ưu điểm mà các quy trình thay da có so với điều trị laser là nó tạo ra một lớp tế bào chết trên bề mặt da có tác dụng bảo vệ da tại chỗ và tăng cường quá trình tái tạo lại biểu mô. Các mảnh da còn lại sau quy trình nên được giữ lại, không tự ý tháo gỡ bởi vì chúng có tác dụng bảo vệ làn da trong giai đoạn tái tạo. Nhược điểm của việc băng kín vết thương là làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và do đó cần phải được theo dõi cẩn thận vì các vi khuẩn có khả năng tăng sinh mạnh trong điều kiện băng kín hơn so với trong điều kiện thoáng khí. Do sự tăng sinh của vi khuẩn gia tăng ở điều kiện băng kính và do hàng rào miễn dịch của da giảm sau quy trình thay da nên việc để lại các lớp vảy chết trên bề mặt da sẽ góp phần giúp quy trình hồi phục tổn thương diễn ra thuận lợi hơn.
Màu da
Cần phải đánh giá ban đầu màu da của bệnh nhân theo phân loại Fitzpatrick một cách chính xác trước khi lựa chọn quy trình thay da cho bệnh nhân. Da có phân loại Fitzpatrick là loại I-III có thể đáp ứng được với bất kỳ loại thay da nào. Những bệnh nhân thuộc phân loại Fitzpatrick loại IV với màu mắt sáng thường có ít nguy cơ rối loạn sắc tố hơn sau thay da so với những bệnh nhân có màu mắt tối trong cùng bậc phân loại da. Loại V và VI là hai loại da có nhiều nguy cơ nhất khi thực hiện điều trị này và được khuyến cáo không nên thay da sâu hơn qua khỏi lớp trung bị nhú để tránh tình trạng nhược sắc. Da theo phân loại V cũng xuất hiện tình trạng tăng sắc tố nhanh chóng. Cần có chế độ chăm sóc đặc biệt ở những bệnh nhân có xu hướng tăng sắc tố kéo dài sau các vết muỗi chích hay các vết thương nhỏ. Các quy trình thay da phenol cục bộ chỉ nên được thực hiện trên bệnh nhân có phân loại da Fitzpatrick dưới IV để vùng da điều trị không bị sáng màu hơn các vùng da xung quanh, thậm chí trước đó đã thực hiện quy trình thay da trung bình để làm đồng đều tông màu da.
Ảnh hưởng của tuổi tác
Bệnh nhân lớn tuổi
Những quy trình thay da nông được thực hiện như bình thường thậm chí ở những bệnh nhân trên 80 tuổi. Ở người lớn tuổi, dường như ít có những biến đổi sắc tố hơn nhưng về mặt lý thuyết nguy cơ nhiễm trùng lại cao hơn. Theo lý thuyết, khả năng tái tạo của các tế bào sừng bị suy yếu, hiện diện nhiều bất thường tế bào, các nguyên bào sợi không hoạt động và xơ cứng mạch máu dưới da là các nguyên nhân làm chậm quá trình hồi phục sau quy trình ở những bệnh nhân lớn tuổi. Tuy nhiên thực tế lâm sàng nhận thấy vấn đề thực sự chỉ là sự gia tăng mức độ nhạy cảm với nhiễm trùng do hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Một yếu tố quan trọng hơn có thể là mức độ lão hóa thực tế của da chứ không phải do ảnh hưởng của tuổi tác. Nhiều quy trình thay da phenol đã được thực hiện trên những bệnh nhân ở độ tuổi trên 80 mà không có bất cứ vấn đề đặc biệt nào.
Bệnh nhân trẻ tuổi
Đối với bệnh nhân trẻ tuổi, trong hầu hết các trường hợp, quy trình thay da chỉ cần thiết đối với những người gặp phải tình trạng mụn. Tình trạng mụn đáp ứng rất tốt với các quy trình thay da biểu bì nông hay thay da đến lớp đáy của biểu bì. Các quy trình thay da sâu hơn không được chỉ định nếu da đang trong tình trạng viêm nhiễm. Sự hiện diện của mụn cho thấy hệ thống hormone phát triển ở những bệnh nhân trẻ tuổi đã tạo ra một làn da dày, có dầu và đề kháng với các acid.
Dị ứng
Dị ứng là tình trạng phổ biến khi sử dụng các loại kháng sinh dạng kem hay dạng thuốc mỡ trong giai đoạn hồi phục sau quy trình: nên tiên lượng trước tỷ lệ dị ứng từ 5-10% khi sử dụng kháng sinh dạng kem có chứa neomycin sau khi thay da. Tình trạng mỏng lớp sừng tạm thời sau quy trình cho phép các sản phẩm thẩm thấu vào da dễ dàng hơn, làm gia tăng nguy cơ dị ứng tiếp xúc.
Nhiễm trùng
Đây cũng là tình trạng thường xuyên xảy ra khi bệnh nhân phải tự thực hiện việc chăm sóc da phức tạp sau điều trị. Những nguyên tắc vô trùng cơ bản không được nhận biết rộng rãi cho tất cả các bệnh nhân và đòi hỏi phải được đào tạo đặc biệt để có thể áp dụng hiệu quả. Bệnh nhân càng phải tự mình chăm sóc da sau quy trình thì tỷ lệ nhiễm trùng càng cao.
Ánh nắng mặt trời
Cần phải lưu ý rằng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút khi da trong tình trạng không được bảo vệ đủ để gây nên những biến đổi sắc tố ở những bệnh nhân da nhạy cảm trong suốt giai đoạn hồi phục.
Thay da cho nam giới
Cấu trúc da của nam giới thường dày hơn phụ nữ nên các kết quả đạt được thường không như mong muốn. Mặt khác, do lượng PSUs ở nam cao hơn nên quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn và cũng ít nguy cơ để lại sẹo. Do nam giới thường không trang điểm nên khó để thực hiện thay da phenol cục bộ hoặc toàn mặt. Đối với quy trình thay da đến lớp trung bì nhú hoặc trung bì lưới, tốt nhất không nên cạo râu trong thời gian bong tróc, thường có thể cạo vào ngày thứ 9 của quy trình điều trị. Nên tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc dạng cồn mà thay vào đó là kem dưỡng ẩm, kem chống oxy hóa hoặc làm săn chắc, tiếp theo là chống nắng hiệu quả để bảo vệ làn da.
Hút thuốc
Các gốc tự do được tạo ra mỗi khi hút thuốc góp phần đáng kể vào tình trạng lão hóa của cơ thể nói chung và làn da nói riêng. Các nghiên cứu về sự khác nhau giữa làn da của các cặp đôi song sinh trong đó có một người được cho hút thuốc, kết quả cho thấy làn da của đối tượng hút thuốc có sự xuống cấp rõ rệt. Hút thuốc gây ra co mạch lặp đi lặp lại và làm tổn thương vi mạch góp phần gây thiệt hại tổng thể và thúc đẩy quá trình lão hóa da. Đối với những bệnh nhân nghiện thuốc lá nặng cần phải cân nhắc trước khi chỉ định các quy trình thay da đến lớp trung bì nhú. Thay da phenol toàn mặt nên được thực hiện cẩn thận bởi vì có thể gia tăng nguy cơ phù thanh quản. Thay da phenol cục bộ thì thường không gặp phải vấn đề này, ví dụ có thể thực hiện vùng xung quanh mép miệng (vùng da thường tổn thương nặng ở những bệnh nhân hút thuốc) và xử lý vùng mặt còn lại với acid trichloroacetic đến lớp trung bì nhú.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sen Spa