MỘT VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LIỆU PHÁP PHẪU THUẬT MÍ MẮT (BLEPHAROPLASTY)

Những khiếm khuyết ở vùng mắt, đặc biệt là các tình trạng túi mỡ dưới mắt và xệ mí mắt là những dấu hiệu nổi bật của lão hóa vùng mặt. Thường thì chúng gây khó chịu cho bệnh nhân hơn so với các biểu hiện khác như các đốm sắc tố lão hóa hay thậm chí là nếp nhăn. Khi cấu trúc da vùng mắt lỏng lẻo ở mức độ nhẹ, các quy trình căng da (chẳng hạn như RF) hay các tác nhân dùng ngoài (chẳng hạn như DMAE) sẽ có thể mang lại lợi ích. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, giải pháp hữu hiệu duy nhất có lẽ là phẫu thuật mí mắt (blepharoplasty).

Chỉ định

Phẫu thuật mí mắt được thực hiện để giúp điều chỉnh hình dạng của các mí trên và mí dưới của mắt, thường bằng cách loại bỏ da hoặc mỡ thừa. Đôi khi việc này là cần thiết để cải thiện tầm nhìn vốn bị hạn chế bởi lượng da dư thừa treo sâu xuống mắt. Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật mí mắt được chỉ định với mục đích giúp cải thiện biểu hiện thẩm mỹ của đôi mắt thông qua việc làm giảm các tình trạng xệ mí mắt, túi mỡ dưới mắt hay bọng mắt. Kết quả là đôi mắt sẽ trở nên trẻ trung và nhiều sức sống hơn. Tuy nhiên, quy trình này không loại bỏ được quầng thâm dưới mắt cũng như các vết chân chim ở đuôi mắt.

Phẫu thuật mí mắt được thực hiện như thế nào?

Hiện có 2 loại quy trình phẫu thuật mí mắt là transconjunctival (cắt từ bên trong mí mắt) và transcutaneous (cắt xuyên qua lớp da bên ngoài).

Phẫu thuật mí mắt transconjunctival thường được dùng để loại bỏ các mô mỡ gây nên tình trạng túi mỡ dưới mắt. Da không được loại bỏ trong trường hợp này. Bác sỹ sẽ kéo mí mắt dưới ra và thực hiện một đường cắt từ bên trong mí mắt bằng dao mổ hoặc laser, sau đó loại bỏ hoặc sắp xếp lại chất béo. Vết cắt có thể được khâu lại bằng chỉ hòa tan, mặc dù việc này thường không cần thiết. Phẫu thuật mí mắt transconjunctival thường mang lại hiệu quả tốt ở những đối tượng có làn da dày với độ đàn hồi cao (thường là người trẻ tuổi).

Các bác sỹ thực hiện quy trình phẫu thuật mí mắt transcutaneous bằng cách cắt xuyên qua mí mắt từ bên ngoài, thường là ở các vị trí nếp gấp của mí mắt trên và bên dưới lông mi dưới, những vùng mà sẹo sẽ ít lộ rõ hơn. Đối với tình trạng xệ mí mắt nghiêm trọng, các vết cắt có thể mở rộng ra hướng tới vùng đuôi mắt, nơi mà chúng sẽ được ẩn dấu bởi các vết chân chim. Sau đó, bác sỹ sẽ tách da ra khỏi cơ và mô mỡ, loại bỏ mỡ thừa đồng thời điều chỉnh da và cơ lỏng lẻo. Không giống như phẫu thuật mí mắt transconjunctival, các vết cắt trong phẫu thuật mí mắt transcutaneous cần được khâu lại bằng chỉ.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật tái tạo cấu trúc ưa thích phẫu thuật mí mắt transconjunctival hơn bởi vì tính xâm lấn thấp hơn cũng như cần thời gian hồi phục ngắn hơn. Ngoài ra, nó cũng cho phép bác sỹ kiểm tra kết quả của quy trình bằng cách đưa mí mắt về vị trí bình thường và thực hiện các điều chỉnh thích hợp. Mặc dù phẫu thuật mí mắt transconjunctival không loại bỏ da thừa, nó có thể được kết hợp với thủ thuật cắt da để đạt được điều này.

Các bác sỹ có thể thực hiện phẫu thuật mí mắt ở cả hai dạng trên bằng laser hoặc dao phẫu thuật. Phẫu thuật bằng laser sẽ mang lại các lợi ích như vết cắt nhỏ hơn và tạo sự đốt mạch máu giúp giảm chảy máu trong suốt quy trình.

Quy trình thường kéo dài từ 2 đến 3 giờ trong điều kiện gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân. Bệnh nhân thường có thể trở về nhà trong cùng ngày phẫu thuật.

Lưu ý trước phẫu thuật

Phẫu thuật mí mắt được thực hiện ở rất gần mắt, điều này có thể khiến nó trở thành một quy trình có nhiều nguy cơ hơn so với một số quy trình phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo cấu trúc khác. Bệnh nhân nên tránh sử dụng thuốc kháng viêm, một số chế phẩm bổ sung và thảo dược trong khoảng 2 tuần trước phẫu thuật bởi vì chúng sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Bác sỹ cũng sẽ khuyến cáo ngừng hút thuốc lá trong một hoặc vài ngày trước quy trình. Uống rượu trước ngày phẫu thuật cũng được khuyến cáo hạn chế vì có thể làm tăng nguy cơ bầm tím. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng 1 tuần trước phẫu thuật để ngăn ngừa tình trạng biến đổi sắc tố da.

Khám sức khỏe trước phẫu thuật nên bao gồm việc kiểm tra mắt để xác định ngay bất kỳ nguy cơ nào có thể về việc giảm thị lực sau quy trình (dù khó có khả năng xảy ra). Bác sỹ nên kiểm tra chất lượng cũng như lượng da của mí mắt và nếp gấp để lựa chọn hướng tiếp cận tốt nhất

Sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, bệnh nhân nên uống kháng sinh trong một vài ngày đầu để ngăn ngừa nhiễm khuẩn đồng thời sử dụng kháng sinh dùng ngoài trực tiếp vào đường khâu. Băng nén lạnh cũng nên được sử dụng liên tục trong ngày đầu tiên sau phẫu thuật và giảm dần tần suất trong những ngày tiếp theo. Chỉ khâu (nếu có) nên được loại bỏ ở thời điểm một vài ngày sau quy trình. Bệnh nhân nên hạn chế dùng các thức uống chứa cồn và một số loại thuốc (bao gồm aspirin) trong khoảng 1 tuần. Tình trạng rối loạn sắc tố xung quanh vùng mắt và sưng phù là những biểu hiện bình thường sau phẫu thuật mí mắt và bệnh nhân nên tránh các hoạt động tiết nhiều mồ hôi trong thời gian này. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân có thể quay trở lại chế độ sinh hoạt bình thường trong vòng 7 đến 10 ngày sau quy trình phẫu thuật mí mắt.

Lợi ích

Khi được thực hiện đúng cách, phẫu thuật mí mắt có thể giúp:

  • Cải thiện tầm nhìn
  • Làm mềm mượt các túi mỡ dưới mắt (bọng mắt)
  • Cải thiện tình trạng xệ mí mắt trên

Tất cả giúp mang lại cho bệnh nhân cái nhìn tổng thể trẻ trung hơn. Hiệu quả của liệu pháp có thể kéo dài ít nhất là một vài năm.

Nguy cơ và biến chứng

Phẫu thuật mí mắt là một quy trình thẩm mỹ tương đối nhỏ và các biến chứng kéo dài thường hiếm khi xảy ra.

Khi được thực hiện đúng cách bởi các bác sỹ có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm, phẫu thuật mí mắt thường thành công và không gây hại gì cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ quy trình phẫu thuật nào khác, vẫn có một số nguy cơ nhất định. Các vấn đề hậu phẫu có thể liên quan đến thẩm mỹ hoặc sức khỏe.

Nếu lượng da được loại bỏ từ mí trên hoặc mí dưới quá nhiều, bệnh nhân có thể mất khả năng nhắm mắt lại (tình trạng này được gọi là lộn mi (ectropion)) và có thể cần phải thực hiện một quy trình điều chỉnh bổ sung khác. Hầu hết các khiếm khuyết về mặt thẩm mỹ nhìn chung đều được loại bỏ bằng việc thực hiện lặp lại quy trình.

Các biến chứng về sức khỏe bao gồm các tình trạng khô hoặc ướt mắt, tụ mỡ dưới mắt, đỏ mắt hoặc giảm nhịp tim (phản ứng với thuốc tê cục bộ). Hầu hết các biến chứng của phẫu thuật mí mắt đều chỉ mang tính tạm thời và ở mức độ nhẹ, tuy nhiên đôi khi các vấn đề nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện. Tụ máu sau nhãn cầu là một biến chứng hiếm gặp có thể gây rất nhiều cảm giác đau và tình trạng xuất huyết có thể dẫn đến mù mắt.

Vì các nguy cơ này, phẫu thuật mí mắt không phù hợp với những đối tượng có triệu chứng khô mắt, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, rối loạn tuyến giáp hoặc tiểu đường. Các vấn đề về mắt như tăng nhãn áp hoặc tách võng mạc cũng có thể làm tăng nguy cơ.

Kết luận

Đối với những trường hợp có tình trạng túi mỡ dưới mắt, bọng mắt và xệ mí mắt  ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, phẫu thuật mí mắt tỏ ra là lựa chọn duy nhất có thể mang lại các kết quả cải thiện rõ ràng. Nó cũng có thể giúp cải thiện tầm nhìn ngoại vi. Tuy nhiên, quy trình này có thể kèm theo một số nguy cơ nhất định và không phù hợp với một số đối tượng. Trước khi tiến hành phẫu thuật, cần đảm bảo tư vấn ý kiến của bác sỹ. Ngoài ra, cần đảm bảo rằng bác sỹ thực hiện quy trình phải có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm cũng như có mối liên hệ với các bác sỹ của bệnh nhân. Điều này sẽ giúp tránh được hầu hết các biến chứng. Như nguyên tắc thông thường, phẫu thuật mí mắt thích hợp cho những đối tượng trên 35 tuổi. Tuy nhiên, nếu tình trạng xệ mí mắt làm hạn chế đáng kể tầm nhìn thì vẫn có thể thực hiện quy trình miễn là trên 18 tuổi.

Nếu phẫu thuật mí mắt không phù hợp thì các quy trình căng da như RF hay các tác nhân dùng ngoài như DMAE có thể đáng được cân nhắc thử nghiệm dù khó có thể đạt được kết quả mong muốn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sen Spa