PHƯƠNG PHÁP QUANG ĐỘNG TRONG ĐIỀU TRỊ MỤN
Liệu pháp quang động học (PDT) có tác dụng tăng cường hiệu lực của các phương pháp điều trị mụn bằng ánh sáng khác. Việc sử dụng các chất nhạy cảm với ánh sáng giúp tối đa hóa việc sản sinh ra các phân tử oxy đơn cực, từ đó hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt khuẩn mụn P.acne so với những phương pháp chỉ dựa vào hấp thu ánh sáng thông thường. Ngoài ra các chất ngoại sinh nhạy cảm với ánh sáng này còn được ưu tiên hấp thu bởi các tế bào biểu mô tuyến bã nhờn, do đó quang động học gây tổn thương lên các tuyến bã nhờn và tiêu diệt P.acne mà giảm thiểu được các tổn thương cho lớp biểu bì.
Chất nhạy cảm với ánh sáng
Liệu pháp quang động điều trị mụn chủ yếu sử dụng 5-aminolaevulinate (ALA) và methyl aminolaevuliate (mALA). mALA là ester thêm nhóm methyl của ALA sau đó đem thủy phân. ALA được chuyển hóa theo con đường tổng hợp nhóm heme từ đó sản sinh portoporphyrin IX (PpIX) – một chất nhạy cảm với ánh sáng. Khi bị kích hoạt bởi một nguồn sáng thích hợp, PpIX sản sinh ra oxy đơn cực và gốc tự do gây tổn thương biểu mô tuyến bã nhờn và khuẩn mụn P.acne.
Các chất nhạy cảm với ánh sáng, ALA và m-ALA có khả năng hấp thu và bị hoạt hóa tại những bước sóng trong khoảng 650-850 nm. Điều này cho phép ánh sáng có bước sóng dài cũng có khả năng xuyên sâu vào da vừa tạo ra oxy đơn cực. Tuy nhiên, với bước sóng dài hơn 850nm ánh sáng vẫn có thể được hấp thu nhưng gây hoạt hóa yếu. ALA và m-ALA thường được sử dụng ở nồng độ 20% và 16%. Bảng 1 tóm tắt các tính chất của ALA và m-ALA liên quan đến quang động học trong điều trị mụn. Cả hai chất này thường đều được sử dụng dưới một vật che phủ để tối đa hóa sự xâm nhập mặc dù cũng không cần thiết lắm đối với m-ALA là một chất thân dầu và thấm tốt. Cả hai tác nhân thường được sử dụng từ 3-4 giờ trước khi áp dụng ánh sáng cho một số chỉ định; tuy nhiên, trong điều trị mụn, thời gian chỉ còn khoảng 15-90 phút nên có thể gây một số tác dụng phụ nhẹ như đau, bong tróc tế bào biểu bì và ban đỏ. Mặc dù ALA thấm vào biểu bì chậm hơn m-ALA nhưng đến cuối cùng ở tầng sâu chúng cũng xuất hiện tương đương. m-ALA cho độ đặc hiệu cao hơn ALA nên có thể ít gây tác dụng phụ hơn. Wiegel và Wulf đã nghiên cứu so sánh ALA và m-ALA trên hai nửa khuôn mặt với ánh sáng đỏ ở bước sóng 620 nm trên 15 bệnh nhân. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả của hai loại tác nhân này (83% đối với m-ALA và 75% ở ALA) cũng như tác dụng phụ gây đau. Tuy nhiên, tác dụng phụ ban đỏ, phù nề rõ hơn ở bên sử dụng ALA.
Bảng 1: So sánh tính chất của 5-aminolaevulinic acid (ALA) và methyl aminolaevulinate (m-ALA)
(ALA) | (m-ALA) | |
Tốc độ thấm | Chậm | Nhanh |
Độ sâu | Như nhau | Như nhau |
Biểu mô tuyến bã nhờn | Ít đặc hiệu | Đặc hiệu hơn |
Sản sinh Pp IX (protoporphyrin IX) | Nhiều hơn | Ít hơn |
Nguồn ánh sáng
Một loạt các nguồn sáng được sử dụng trong quang động học điều trị mụn bao gồm các dải ánh sáng có bước sóng rộng, IPL và laser. Ánh sáng không liên tục có vài ưu điểm hơn so với ánh sáng liên tục như là khoảng chiếu sáng rộng hơn, giá thành rẻ hơn và có khả năng kích hoạt các chất thoái biến từ các tác nhân nhạy cảm với ánh sáng – từ đó có thể gia tăng thêm hiệu quả của phương pháp.
Các bước sóng tối ưu cho liệu pháp quang động để điều trị mụn hiện tại chưa được tìm hiểu rõ. Liệu pháp quang động với ánh sáng xanh không cho kết quả khác biệt với liệu pháp dùng ánh sáng xanh bình thường – điều này có thể là do khả năng xuyên thấu của ánh sáng ở những bước sóng này. Ánh sáng vàng hoặc đỏ dường như là đạt được sự cân bằng về độ xuyên thấu cũng như năng lượng đủ để kích hoạt các tác nhân nhạy cảm với ánh sáng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn sáng và các thông số tối ưu cho liệu pháp có kết quả tối ưu vẫn còn đang được nghiên cứu.
Hiệu quả lâm sàng
Liệu pháp quang động rõ ràng là hiệu quả trong điều trị mụn cho nhiều bệnh nhân. Hầu hết các nghiên cứu về liệu pháp quang động trong điều trị mụn đều cho kết quả cải thiện từ 50-90% tình trạng viêm và/hoặc cải thiện chỉ số mụn (theo quy ước chỉ số mụn toàn cầu) từ 8-12 tuần sau điều trị. Cho đến nay, chúng tôi chỉ mới có được thông tin từ một nghiên cứu so sánh giữa liệu pháp quang động với một phương pháp điều trị thông thường. Yeung và các đồng sự của ông đã thực hiện nghiên cứu trên 30 bệnh nhân người Trung Quốc đối chứng 2 bên nửa mặt; một bên sử dụng m-ALA với IPL (530-750nm), một bên chỉ dùng IPL hoặc không dùng. Bệnh nhân sử dụng gel retinoid 1% ở cả hai bên mặt vào ban đêm trong suốt thời gian điều trị. Chiếu ánh sáng 4 lần trong vòng 3 tuần. Kết quả cho thấy không có sự thuyên giảm rõ rệt giữa nhóm m-ALA và IPL, chỉ có nhóm sử dụng đơn thuần gel retinoid 1% là cho kết quả thuyên giảm rõ rệt về triệu chứng viêm.
Nhìn chung liệu pháp quang động học cho thấy một số khả quan trong điều trị mụn so với các phương pháp truyền thống khác nhưng vẫn chưa được đề xuất như là một liệu pháp đầu tay trong điều trị mụn. Thông thường, chúng được phối hợp với một phương pháp truyền thống khác.
Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ phổ biến của liệu pháp này bao gồm ban đỏ, phù nề, phồng rộp, dày sừng và tăng sắc tố. Đau trong lúc điều trị khá phổ biến và có thể gây giới hạn lợi ích của liệu pháp. Đau trong khi sử dụng liệu pháp quang động có thể liên quan đến các phân tử oxy đơn cực kích thích các đầu mút dây thần kinh trên da và tạo ra các cảm giác đau, nóng rát. Có thể làm giảm các hiệu ứng này bằng cách làm mát giữa các lần điều trị, sử dụng tác nhân có thời gian tiếp xúc ngắn hoặc giảm thông số của nguồn sáng. Hơn nữa, ALA dường như gây tác dụng phụ cao hơn m-ALA.