TRỊ LIỆU MỸ PHẨM CHO DA MẶT LÃO HÓA
Giới thiệu
Sự suy giảm về cấu trúc và chức năng của da có nguyên nhân nội tại và môi trường. Các loại mỹ phẩm đường thoa chứa các thành phần dinh dưỡng, dưỡng ẩm, chống lão hóa cho da thường được sử dụng để ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa, sự thoái hóa các cấu trúc ngoại bào, sạm da, da nhão, chảy sệ, teo da, lỗ chân lông to. Các sản phẩm thường ứng dụng những thành phần hoạt chất có tính chống oxy hóa, chống nắng, yếu tố cấu trúc hoặc kích thích tổng hợp collagen, chất ức chế metalloproteinase, vitamin C,…Tình trạng da rổ, khô, mất nước có thể được điều trị với nhóm AHAs, do khả năng peel da, dưỡng ẩm, và tái tạo lớp tế bào mới cho da. Sạm da đặc biệt hiệu quả tốt với các chất ức chế tyrosinase.
Suy giảm cấu trúc ngoại bào
Phần lớn cấu trúc lớp trung bì là những cấu trúc ngoại bào, gồm những cấu trúc sinh học phức tạp có chức năng hỗ trợ và bảo vệ tế bào. Collagen và elastin, các protein kết dính (laminins, fibronectin, glycosaminoglycans – GAG, proteoglycans) là những thành phần quan trọng của cấu trúc ngoại bào. Những yếu tố thường bị thoái hóa do tác nhân lão hóa nội tại, quá trình thoái hóa bị thúc đẩy bởi tia UV, chất oxy hóa, quá trình điều hòa lên của metalloproteinase (MMP). MMP gồm collagenase, elastase và hyaluronidase đóng vai trò quan trọng trong chu trình thoái hóa và tái tạo cấu trúc ngoại bào. MMP có khả năng điều hòa sự hình thành khối u. Nhóm enzyme này cần thiết cho chức năng của da. Tuy nhiên, khi lượng MMP dư thừa sẽ gây hại cho cấu trúc da, thúc đẩy chu trình thoái hóa. Khi hàm lượng MMP tăng 0,1 MED (liều tia UV có khả năng gây sạm da), cấu trúc collagen của da suy giảm nghiêm trọng dưới tác dụng của tia UV.
Da nhão và chảy sệ
Trọng lực, sự thoái hóa xương mặt, teo mô mỡ dưới da, suy giảm cấu trúc lớp trung bì là những nguyên nhân chính gây tình trạng nhão và chảy sệ da. Đây là một quá trình tự nhiên do tuổi già nhưng bị đẩy nhanh bởi những yếu tố bên ngoài đặc biệt là tia UV.
Cấu trúc và khả năng đàn hồi của lớp trung bì, độ căng và khả năng tái hồi vị trí ban đầu sau những tác động kéo dãn của da tạo nên vẻ trẻ trung cho làn da. Khả năng bảo vệ da trước tia UV suy giảm 20% sau 80 năm. Vì vậy, việc sử dụng kem chống nắng phổ rộng là yếu tố quan trọng hàng đầu để duy trì sức khỏe làn da. Ánh nắng đã được các tài liệu ghi nhận là nguyên nhân ngoại sinh chủ yếu gây lão hóa và chảy sệ da. Tia UVB kích thích hoạt động MMP, oxy hóa cấu trúc da, sản sinh gốc tự do. Có nhiều loại gốc tự do trong đó gốc oxy tái hoạt (reactive oxygen species-ROS) được nghiên cứu nhiều nhất do khả năng phá hoại của chúng. ROS gồm gốc tự do chứa nhóm hydroxyl, peroxynitrite, superoxide anions, peroxide, oxygen có 3 hoặc 1 electrong lớp ngoài cùng. Sự gia tăng nồng độ MMP-1 khiến cấu trúc collgen bị phân cắt. Do quá trình lão hóa, đường viền sợi collagen không rõ ràng với đường kính nhỏ hơn trong khi elastin trở nên ngắn hơn và dày hơn, làm mất đi tính toàn vẹn của lớp trung bì.
Nhăn da: vết nhăn li ti và vết nhăn sâu
Estrogen đóng vai trò như một bộ phận điều biến cho các thành phần của mô liên kết bao gồm collagen và acid hyaluronic. Khi lượng estrogen giảm dần theo tuổi tác, lượng collagen và acid hyaluronic không được tái tạo kịp thời, tạo điều kiện hình thành những nếp nhăn. Hàm lượng acid hyaluronic suy giảm khiến da bị khử nước, làm tình trạng nhăn da càng thêm rõ rệt. Các thành phần cấu trúc ngoại bào suy giảm tỷ lệ thuận với nồng độ estrogen. Phơi nhiễm tia UV làm đẩy nhanh tiến trình nhăn da. UVA làm phá hủy những liên kết chéo giữa các sợi collgen, kích hoạt quá trình biểu hiện gen tổng hợp nên collagenase và elastinase. Những biểu hiện cảm xúc quá đà khiến những nếp nhăn vùng đuôi mắt, trán, nếp gấp mũi môi có thể hình thành khi chưa đến tuổi trung niên.
Teo biểu bì và trung bì
Quá trình giảm độ dày và teo mô da do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Mức độ suy giảm cấu trúc ngoại bào tùy thuộc vào mức suy giảm lượng estrogen theo tuổi tác. Việc tiếp xúc với tia UV làm suy giảm cả lượng collagen trưởng thành và cả lượng collagen tạo mới (bao gồm cả collagen tuýp 1, tuýp 3 và procollagen). Teo biểu bì thường khởi đầu bằng dấu hiệu vảy to, giảm độ bám dính và tăng độ phẳng của tế bào sừng, quá trình thay mới tế bào chậm lại. Lớp dưới của biểu bì càng phẳng, làn da sẽ không được nuôi dưỡng tốt và dễ bị tổn thương hơn.
Lổ chân lông to
Lổ chân lông to do sự thoái hóa và tăng sinh vô tổ chức của collagen, elastin. Quá trình này được thúc đẩy bởi các tác nhân oxy hóa.
Các loại mỹ phẩm đường thoa tăng cường collagen
Cấu trúc da của mỗi người phụ thuộc vào cấu trúc di truyền DNA, lối sống, môi trường, thói quen sử dụng mỹ phẩm. Những bệnh nhân bị suy giảm nghiêm trọng các cấu trúc ngoại bào thường do phơi nhiễm quá mức với ánh nắng, hút thuốc. Các thành phần chống oxy hóa hiện diện trong mỹ phẩm dạng thoa được chứng minh về khả năng tái cấu trúc chức năng ngoại bào, và ngăn chăn sự thoái hóa nghiêm trọng. Sự phối hợp các thành phần chống tia UV phổ rộng, ức chế enzyme MMP, chất chống oxy hóa sẽ đem lại tác dụng bảo vệ da hữu hiệu nhất. Ngoài ra, các thành phần có tính tạo mới collagen như vitamin C, retinoid, peptid có tác dụng cải thiện đáng kể cấu trúc lớp trung bì, mang lại làn da trẻ trung và khỏe mạnh hơn.
Các thành phần chống nắng phổ rộng
Kem chống nắng có tác dụng hạn chế tác hại của ánh nắng mặt trời đối với da, làm giảm lượng enzyme MMP. Các thành phần chống nắng thường được xem là hoạt chất chính trong các sản phẩm chống lão hóa. Hiểu biết về các hoạt chất, ưu điểm và nhược điểm của chúng sẽ giúp bác sĩ thẩm mỹ lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất cho bệnh nhân của họ. Kem chống nắng có 3 dạng: chống nắng vật lý, chống nắng hóa học hoặc kết hợp cả hai. Việc lựa chọn sản phẩm chống nắng bao gồm phổ ánh sáng của UVA và UVB đóng vai trò quyết định trong việc kiểm soát tốc độ lão hóa. UVA có khả năng thâm nhập vào lớp trung bì, gây thoái hóa cấu trúc ngoại bào. Hiện nay, chỉ có 4 hoạt chất đã được FDA chấp thuận về khả năng chống tia UVA là: avobenzone, ecamsule, kẽm oxide, và titanium dioxide. Việc kết hợp các thành phần trên trong cùng một sản phẩm sẽ đem lại hiệu quả tối ưu hơn.
Các yếu tố chống nắng hóa học
Kem chống nắng hóa học chứa các hoạt chất hữu cơ có khả năng thấm qua lớp tế bào sừng và hấp thu tia UV trước khi chúng gây tác hại trên da. Một số người không sử dụng kem chống nắng hóa học vì nguy cơ gây kích ứng da. Nhưng hầu hết tác nhân kích ứng là các thành phần tá dược chứ không phải do thành phần hoạt tính.
Para-aminobenzoic acid (PABA) là một trong những thành phần chống nắng đầu tiên được FDA chấp thuận. PABA có khả năng hấp thu tia UVB hiệu quả nhưng gần như biến mất khỏi các sản phẩm chống nắng hiện nay do nguy cơ kích ứng da. Octyl dimethyl PABA, hoặc Padimate O, là một acid aminobenzoic được thay thế cho PABA do khả năng hạn chế tính kích ứng.
Cinnamates là thành phần chống nắng hóa học khá phổ biến hiện nay do khả năng gây kích ứng thấp nhưng cần phải phối hợp với các thành phần chống UVB khác để cho hiệu quả tối ưu. Octocrylene (2-ethylhexyl-2-cyano-3,3 diphenylacrylate) có độ bền cao, thường được sử dụng để kéo dài tác dụng chống nắng và giúp sản phẩm lâu trôi khi tiếp xúc với nước.
Các dẫn chất của salicylate như octisalate (octyl salicylate) và homosalate (homomenthyl salicylate) có khả năng chống tia UVB yếu và không có tính kích ứng. Những thành phần này khá an toàn trong lĩnh vực mỹ phẩm.
Phenylbenzimidazole sulfonic acid ít được sử dụng do không có khả năng lọc tia UVA.
Benzophenones có thể lọc tia UVA và UVB nhưng có tính kích ứng mạnh. Các dẫn chất như oxybenzone, dioxybenzone and sulisobenzone tương đối an toàn và được ứng dụng rộng rãi hơn.
Anthranilates là muối của acid anthranilic khá an toàn với da và có độ bền cao nhưng công nghệ bào chế hiện nay chưa thể tạo ra những loại mỹ phẩm có thể chất ưa nhìn dựa trên thành phần này.
Camphor và dẫn chất terephthalylidene dicamphor sulfonic acid đã được FDA chấp thuận gần đây về khả năng chống nắng mặc dù chỉ chứa phổ của tia UVA. Avobenzone và titanium dioxide thường được phối hợp cùng với camphor trong dạng bào chế thân dầu để đem lại hiệu quả tối ưu. Những sản phẩm này đã có mặt trên những thị trường ngoài nước Mỹ.
Dibenzoylmethanes là một nhóm chất có khả năng hấp thu UVA. Avobenzone là thành phần duy nhất trong nhóm được sử dụng tại Mỹ, hoạt chất có khả năng chống UVA hiệu quả nhưng lại kém bền dưới ánh nắng. Sự có mặt của salicylates, benzophenones, octocrylene, bemotrizinol giúp kéo dài hiệu quả của avobenzone.
Tinosorb bao gồm methylene-bis-benzotriazolyl và tetramethylbutylphenol, bis-ethylhexyloxyphenol methoxyphenoltriazine không được FDA chấp thuận nhưng lại được sử dụng khá rộng rãi tại Châu Âu. Thành phần này có khả năng chống lại UVA và UVB trong đó Tinosorb M có khả năng tan trong nước và Tinosorb S có khả năng tan trong dầu. Chúng tương đối bền và thường được ưu tiên lựa chọn bởi các nhà sản xuất.
Các yếu tố chống nắng vật lý
Các thành phần chống nắng vật lý thường là các hợp chất vô cơ có khả năng phản xạ hoặc tán xạ bức xạ mặt trời trước khi chúng gây hại cho tế bào. Mặc dù các sản phẩm chống nắng vật lý khá hiệu quả nhưng chúng thường gây cảm giác nhờn rít, trắng bệch trên khuôn mặt. Dạng bào chế hiện đại với kích thước phân tử nano hoặc micro có thể khắc phục nhược điểm trên.
Kẽm oxid có khả năng chống nắng phổ rộng, có độ bền và độ an toàn cao, dễ dàng bào chế ở thể chất thích hợp cho mỹ phẩm. Kẽm oxid có tính kháng khuẩn tự nhiên nên có thể sử dụng cho những bệnh nhân thường bị đỏ da do phơi nắng.
Titan oxid là một thành phần chống nắng có tính trơ cao, bền với ánh nắng. Do kích thước phân tử lơn, titan oxid tạo một lớp màng trắng trên da, không thích hợp sử dụng cho những bệnh nhân có làn da tối màu.
Kẽm oxid và titan oxid có thể gây hiện tượng oxy hóa tế bào khi phản ứng với tia UV. Vì vậy, các thành phần ổn định (chất chống oxy hóa) thường được bao phủ bên ngoài thành phần hoạt tính để hạn chế tác hại của chúng đối với làn.