TRIFAROTENE DÙNG NGOÀI: MỘT RETINOID MỚI
Vitamin A (retinol) và các dẫn xuất của nó (các retinoid) luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu từ các chuyên gia da liễu. Năm 1925, Wolbach và Howe là những người đầu tiên báo cáo về sự thiếu hụt vtamin A gây ra sự sừng hóa biểu mô ở chuột. Sau đó, năm 1933, sự thiếu hụt vitamin A ở người có liên quan sự phát triển của phrynoderma (“da cóc”) với sự tăng sừng nang, tăng sắc tố và da khô bất thường. Những quan sát này đã thúc đẩy mối quan tâm trên lâm sàng về tác dụng dược lý của vitamin A trên những bệnh sừng hóa về da, nhưng những nghiên cứu đầu tiên từ những năm 1940 và 1950 ở bệnh nhân vẩy cá, vẩy phấn đỏ nang lông và bệnh Darier cho thấy nồng độ vitamin A cần thiết để đáp ứng điều trị có thể gây độc tính không thể chấp nhận được. Với mục tiêu cải thiện tính an toàn, các hợp chất hóa học có cấu trúc hoặc chức năng tương tự vitamin A (tức là retinoids) đang được tổng hợp. Hai trong số các retinoid tổng hợp đầu tiên được phát triển là all-trans-retinoic acid (ATRA, còn được biết là tretinoin) và 13-cis-retinoic acid (còn gọi là isotretinoin) tương ứng vào năm 1946 và 1955. Các nghiên cứu đầu tiên của Stuettgen và Kligman cùng cộng sự vào những năm 1960 đã cho biết tretinoin dùng tại chỗ là một phương pháp điều trị hàng đầu trong da liễu. Tuy nhiên, việc phát triển xa hơn bị trì hoãn do lo ngại về tác động gây quái thai của retinoid sau thảm họa thalidomide. Đến năm 1982, isotretinoin được chấp thuận trên thị trường Mỹ đối với mụn trứng cá thể nặng.
Kể từ đó, các retinoid vẫn là hoạt chất chính trong các điều trị da liễu. Các công thức retinoid dùng ngoài và đường uống đều được sử dụng trên một loạt các tình trạng viêm, (tiền-) ác tính và sừng hóa – bao gồm: mụn trứng cá, vẩy nến, u lympho da, vẩy cá và lão hóa quang hóa. Các ứng dụng lâm sàng của retinoid ngày càng tăng cũng với sự phát triển của các nghiên cứu sinh học da chuyên sâu cho thấy hiệu ứng tế bào pleotropic của retinoid được trung gian bởi 2 loại thụ thể hạt nhân: thụ thể retinoic acid (RAR) và thụ thể retinoid X (RXR), cả hai có ba đồng dạng (α, β và γ).
Mặc dù hơn 2000 hợp chất retinoid đã được phát triển, nhưng số lượng được sử dụng trên lâm sàng hiện nay rất hạn chế. Ba thế hệ retinoid được phân biệt như sau:
– Thế hệ thứ nhất: các retinoid nonaromatic, bao gồm tretinoin, isotretinoin và alitretinoin.
– Thế hệ thứ hai: các retinoid mono-aromatic, bao gồm acitretin và một chất không còn được sử dụng rộng rãi nữa – etretinate.
– Thế hệ thứ ba: các retinoid poly-aromatic, bao gồm bexarotene, tazarotene và adapalene.
Aubert cùng cộng sự mô tả các đánh giá dược lý tiền lâm sàng của trifarotene, một retinoid mới trong thế hệ thứ tư. Bằng cách sử dụng nhiều thử nghiệm trên in vitro và in vivo, các chuyên gia đã chứng minh đặc tính chuyển hóa và dược động học tốt của trifarotene. Hơn nữa, trong nhiều mô hình thử nghiệm trên chuột, trifarotene được chứng minh hoạt động trên mụn trứng cá, chống viêm và giảm sắc tố tốt hơn so với các retinoid dùng ngoài khác. Trái ngược với các retinoid dùng ngoài khác, trifarotene là một chất chủ vận RAR-γ mạnh và có chọn lọc; điều này có thể tránh kích ứng da qua RAR-β trung gian. Do đó, các chuyên gia hy vọng hoạt chất này có thể mang lại khả năng dung nạp tốt hơn, vì ‘viêm da retinoid’ rất phổ biến và hạn chế tác dụng phụ của các retinoid dùng ngoài.
Tóm lại, hơn 50 năm kể từ khi retinoid thế hệ thứ nhất xuất hiện, các retinoid hiện nay được mở rộng với một hợp chất thuộc thế hệ thứ tư. Trifarotene cho thấy dược động học và dược lực học thuận lợi cho sự phát triển của nó. Thực tế hiện nay, tình trạng mụn trứng cá (tỷ lệ cao), rối loạn sừng hóa (nhu cầu mạn tính) và lão hóa quang hóa (nhu cầu thẩm mỹ) thì sự xuất hiện của retinoid dùng ngoài với sự cải thiện về độ dung nạp đang rất được mong đợi.