VIÊM DA: MỤN TRỨNG CÁ (Phần I)
Mụn trứng cá là một rối loạn rất điển hình mà chủ yếu xảy ra ở thanh thiếu niên và người trẻ. Mụn trứng cá hiện diện ở 70% dân số và ảnh hưởng đến khoảng 40 triệu thanh thiếu niên và 20 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ. Mụn trứng cá có thể gây ra ảnh hưởng tâm lý xã hội đáng kể, có liên quan đến trầm cảm, tự tử, xa lánh xa hội và thất nghiệp. Các thương tổn cổ điển quan sát thấy ở người mụn trứng cá gồm có mụn trứng cá, mụn viêm và mụn mủ. Sự phát triển của những thương tổn mụn trứng cá này được đặc trưng bởi sự tăng sừng của ống nang lông bã nhờn với sự hình vi còi mụn, tăng sản xuất bã nhờn, tăng nhanh các Propionibacterium acnes và sự phát triển phản ứng viêm. Các phương pháp y học truyền thống để điều trị mụn trứng cá thường hoạt động bằng cách biến đổi một hoặc nhiều các yếu tố sinh bệnh học ở trên. Những phương pháp này bao gồm các kháng sinh và các retinoid bôi tại chỗ, kháng sinh đường uống và isotretinoin đường uống. Mặc dù các phương pháp này hiệu quả nhưng có một số hạn chế như đáp ứng không đầy đủ, khởi phát chậm và các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ kém của bệnh nhân. Bên cạnh đó, một số phương pháp thường đi kèm với các tác dụng bất lợi nghiêm trọng có thể xảy ra, làm hạn chế việc sử dụng chúng (như tình trạng tăng huyết áp sọ não và lupus- giống những hội chứng khi sử dụng tetracyclines). Isotretinoin toàn thân là phương pháp hiệu quả cao và nhìn chung an toàn, tuy nhiên, nó có thể đem đến những lo ngại đáng kể về khả năng quái thai tiềm ẩn khiến cho việc sử dụng trở nên phức tạp và làm giới hạn sự chấp thuận của bệnh nhân và bác sĩ.
Các liệu pháp ánh sáng là một phương pháp điều trị mụn trứng cá thay thế hấp dẫn bởi vì chúng đem lại hiệu quả điều trị nhanh hơn cùng với tuân thủ tốt của bệnh nhân và tỷ lệ thấp các tác dụng bất lợi. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị tối ưu và hiệu quả tương đối của liệu các liệu pháp ánh sáng khi so với các liệu pháp truyền thống vẫn chưa rõ ràng. Các liệu pháp ánh sáng thường được cho là hoạt động thông qua việc làm giảm sự tăng trưởng của P.acne hoặc bằng cách nhắm vào các tuyến bã nhờn để làm giảm sự sản sinh chất nhờn, tuy nhiên, những cơ chế khác có thể vẫn còn.
Bảng. Các cơ chế hoạt động điển hình của các liệu pháp trị mụn trứng cá bằng ánh sáng.
Ánh sáng phân hủy P.acnes | Làm biến đổi tuyến bã nhờn | Ánh sáng phân hủy P.acnes và làm biến đổi tuyến bã nhờn |
Ánh sáng xanh
Ánh sáng đỏ Ánh sáng xung cường độ cao Ánh sáng xung cường độ cao và nhiệt Liệu pháp quang học Laser KTP 532nm PDL 585/595nm |
Laser Nd:YAG 1320nm
Laser diod 1450nm Laser erbium:thủy tinh 1540nm |
Liệu pháp quang động |
CÁC LIỆU PHÁP ÁNH SÁNG CÓ THỂ NHẮM ĐẾN P.ACNES
P.acnes là một vi khuẩn gram dương ưa vi khí, là một phần của hệ thực vật bình thường ở da. Số lượng P.acne gia tăng được báo cáo ở những người bị mụn trứng cá, tuy nhiên, số lượng của chúng không tương quan với mức độ nghiêm trọng trên lâm sàng. Một số liệu pháp điều trị mụn như benzoyl peroxide, azeliac acid và các kháng sinh bôi và đường uống hoạt động bằng cách làm giảm P.acnes, P.acnes góp phần vào sự phát triển của mụn trứng cá thông qua việc chiếm đóng các nang bã nhờn và đẩy mạnh phản ứng viêm. Vi khuẩn này có một số đặc điểm nội tại góp phần vào cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá, gồm có việc sản sinh các lipase làm tăng thoát ra các còi mụn được hình thành và sự sản xuất các chất trung gian tiền viêm. Một đặc điểm khác của P.acne là sự sản sinh và tích tụ nội sinh các porphyrin, với coproporphyrin III được cho là một kiểu phụ chính. Những porphyrin nội sinh này hấp thu ánh sáng khả kiến, gây ra sự hình thành các dạng oxy mức đơn và các gốc tự do hoạt động khác gây ra sự phân hủy vi khuẩn theo sau đó.
Ánh sáng xanh
Các khuẩn lạc P.acne bị phá hủy đáng kể khi tiếp xúc với ánh sáng xanh trong in vitro do sự hấp thu và hoạt hóa ánh sáng của các porphyrin nội sinh tại bước sóng này. Tuy nhiên, ánh sáng xanh chỉ xâm nhập vào da người tại bề mặt do độ tán xạ ánh sáng cao, điều này có thể làm hạn chế hiệu quả điều trị. Mặc dù bất lợi này nhưng ánh sáng xanh đã được chứng minh là hiệu quả trong việc cải thiện mụn trứng cá. Tzung và cộng sự đã điều tra nghiên cứu ánh sáng 420nm trong một thử nghiệm ngẫu nhiên 2 bên mặt. Ánh sáng xanh được sử dụng 2 lần/ tuần ở liều 40J/cm2 trong khoảng 4 tuần. 28 bệnh nhân Đài Loan đã hoàn thành thử nghiệm với điều trị ánh sáng xanh đem lại sự cải thiện đáng kể ở tuần thứ 8. Bằng chứng khác được cung cấp bởi Gold và cộng sự, thực hiện thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên so sánh nguồn ánh sáng xanh 417nm được sử 2 lần/ tuần với tự sử dụng clindamycin 1% bôi 2 lần/ ngày. 25 người tham gia đã kết thúc 4 tuần điều trị và đáp ứng lâm sàng được đánh giá 4 tuần sau đó. Tổn thương thuyên giảm đã cải thiện 36% ở nhóm ánh sáng xanh so với 14% ở nhóm clindamycin. Cả 2 thử nghiệm đều cho thấy điều trị ánh sáng xanh an toàn và được chấp thuận tốt bởi bệnh nhân.
Ánh sáng đỏ
Mặc dù ánh sáng đỏ ít hiệu quả hơn trong việc kích hoạt các porphyrin so với ánh sáng xanh nhưng ánh sáng đỏ có thể hấp thu vào da đến độ sâu lớn hơn và kích hoạt các porphyrin trong các nang bã nhờn. Ánh sáng đỏ cũng có thể gây ra các tác động kháng viêm thông qua việc ảnh hưởng đến sự phóng thích cytokine từ các đại thực bào. Zane và cộng sự đã báo cáo hiệu quả của ánh sáng đỏ 600-750nm sử dụng 2 lần/ tuần ở liều cố định 20J/cm2 trên 15 bệnh nhân có mụn trứng cá mức độ trung bình. Vào cuối tuần thứ 4 có sự giảm đáng kể trên thang điểm hệ thống đánh giá mụn trứng cá (điểm trung bình giảm từ 16 đến 8), được duy trì đến khi theo dõi ở tháng thứ 3. Các phương pháp điều trị được dung nạp tốt mà không có bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào. Na và Suh đã điều tra nghiên cứu tính hữu dụng của nguồn ánh sáng đỏ 635-670nm trong một thử nghiệm phân tách vùng mặt trên 30 bệnh nhân có mụn trứng cá nhẹ đến trung bình. Những bệnh nhân tự sử dụng ánh sáng 2 lần/ ngày trong khoảng 8 tuần và được nhận liều tích lũy 604,8J/cm2 vào cuối giai đoạn điều trị. Giảm 59% các tổn thương không viêm và giảm 66% trên các tổn thương viêm ở bên mặt điều trị so với tăng 3% và 74% tương ứng ở bên mặt đối chứng. Tuy nhiên, nghiên cứu này không mù nên khiến cho việc giải thích các kết quả khó khăn hơn.
Ánh sáng xanh và đỏ
Việc sử dụng đồng thời ánh xanh và đỏ để phối hợp cường độ của 2 bước sóng, cụ thể là sự kích hoạt porphyrin mạnh bằng ánh sáng xanh và thâm nhập sâu hơn đồng thời có khả năng kháng viêm của ánh sáng đỏ. Papageorgiou và cộng sự đã so sánh hiệu quả của việc kết hợp ánh sáng 415nm và 660nm với ánh sáng 415nm, ánh sáng trắng và benzoyl peroxid trong một thử nghiệm ngẫu nhiên trên 107 bệnh nhân có mụn trứng cá nhẹ đến trung bình. Các nhà điều tra nghiên cứu đã sử dụng đèn huỳnh quang trong các thiết bị phản xạ. Sau khi điều trị mỗi ngày trong khoảng 12 tuần (liều ánh xanh tích lũy là 320J/cm2 và liều ánh sáng đỏ 202J/cm2), điều trị ánh sáng xanh-đỏ kết hợp nhận thấy cải thiện các tổn thương viêm 76%. Điều trị ánh sáng xanh-đỏ vượt trội hơn hẳn ánh sáng xanh đơn độc ở tuần thứ 4 và thứ 8, nhưng không thấy hiệu quả hơn ở tuần 12. Điều trị này vượt trội hơn benzoyl peroxide ở tuần thứ 8 và tuần 12, đồng thời vượt trội hơn ánh sáng trắng ở mọi thời điểm. Các phương pháp điều trị được dung nạp tốt, không có bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào.
Ánh sáng xung cường độ cao
Các nguồn ánh sáng xung có khả năng phân phối đáng kể nhiều photon ở năng lượng đỉnh hơn so với nguồn sóng liên tục do đó tăng cường hiệu quả điều trị. Chang và cộng sự đã điều tra nghiên cứu một nguồn ánh sáng xung cường độ cao với bộ lọc 530-750nm trên 30 phụ nữ Hàn Quốc có mụn trứng cá mức độ nhẹ-trung bình. Tất cả các bệnh nhân đã sử dụng gel benzoyl peroxid và chọn lựa ngẫu nhiên một bên mặt để điều trị với IPL. Các bệnh nhân nhận 3 lần điều trị IPL, cách nhau 3 tuần sử dụng các mật độ năng lượng 8,0J/cm2 cho da loại III và 7,5J/cm2 cho da loại IV, thời gian xung 2,5ms và xung ánh sáng kép với khoảng cách 10ms. Ba tuần sau lần điều trị cuối cùng, tất cả các bệnh nhân đạt được sự cải thiện các tổn thương mụn trứng cá đối với cả bên mặt điều trị IPL và benzoyl peroxid mà không có sự khác biệt đáng kể. Không nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào.
Ánh sáng xung cường độ cao và nhiệt
Nguyên tắc các phản ứng hóa học diễn ra ở tốc độ nhanh hơn khi có nhiệt độ cao đã được sử dụng trong các thiết bị kết hợp ánh sáng xung cường độ cao và nhiệt. Những thiết bị này cố gắng để tối đa hóa sự kích hoạt porphyrin và sau đó phá hủy vi khuẩn. Gregory và cộng sự đã nghiên cứu việc sử dụng ánh sáng xung và năng lượng nhiệt sử dụng hệ thống ClearTouch LHE. Các bệnh nhân được tự kiểm soát điều trị mụn trứng cá trong khoảng bốn tuần và sau đó được điều trị 2 lần/ tuần trong khoảng 4 tuần. Bốn tuần sau giai đoạn điều trị, giảm trung bình 60,2% số lượng các tổn thương viêm so với mức tăng 32,4% sau giai đoạn tự kiểm soát. Ban đỏ là tác dụng phụ phổ biến và duy nhất được báo cáo.
Điều trị quang học
Điều trị quang học cố gắng làm gia tăng sự hoạt hóa các porphyrin nội sinh bằng cách giảm cạnh tranh các chromophore khác đối với các photon có sẵn. Ngoài ra, các tuyến bã nhờn được làm sạch các chất nhờn về mặt cơ học, điều này hỗ trợ trong việc cải thiện các tổn thương mụn trứng cá. Điều trị quang học hoạt động bằng cách tạo áp lực lên bề mặt da bằng thiết bị cầm tay, làm căng da do đó làm giảm nồng độ melanin và hemoglobin. Phương pháp này cũng đẩy ra một phần lượng tuyến bã nhờn. Với các thiết bị có sẵn, sau khi đưa áp lực lên da, nguồn ánh sáng xung dải rộng (400-1200nm) được kích hoạt, phân phối năng lượng đến các tuyến bã nhờn với sự giảm cạnh tranh từ các chromophore khác. Áp lực sau đó được giải phóng, cho phép da trở lại vị trí bình thường. Gold và Biron đã nghiên cứu điều trị quang học trên 11 bệnh nhân có mụn trứng cá nhẹ đến trung bình. Các bệnh nhân trải qua 4 lần điều trị quang học cách nhau 3 tuần. Một tháng sau điều trị có sự giảm 78,8% tổng số các tổn thương viêm, với 82% bệnh nhân có mụn trung bình rất hài lòng với điều trị. Wanitphakdeedecha và cộng sự cũng đã nghiên cứu điều trị quang học trên 20 bệnh nhân có mụn trứng cá nhẹ đến nặng. Các bệnh nhân nhận 4 lần điều trị (các mật độ năng lượng IPL là 3,6-4,2J/cm2 và áp lực là 3psi) cách nhau 2 tuần. Đa số các bệnh nhân giảm mức độ vừa phải tổng số tổn thương mụn và cải thiện lâm sàng toàn bộ, với những bệnh nhân mụn trứng cá nặng có sự cải thiện lâm sàng lớn. Các tác dụng phụ nhìn chung nhẹ, bao gồm tình trạng trầm trọng hơn của mụn khi mới điều trị, ban đỏ và ban xuất huyết (hiếm).