VIÊM DA TRÓC VẨY
Viêm da tróc vẩy được đặc trưng bởi ban đỏ lan rộng với sự bong tróc ảnh hưởng đến ít nhất 90% diện tích bề mặt cơ thể. Các rối loạn có thể xảy ra với viêm da tróc vẩy bao gồm: phù ngoại biên, tăng mất dịch và rối loạn điều nhiệt.
Viêm da tróc vảy lan rộng trên cơ thể |
Viêm da tróc vẩy (hay còn gọi là đỏ da toàn thân) là một chứng viêm da có vảy, đỏ ít nhất 90% bề mặt da. Chẩn đoán bệnh dựa trên kết quả thăm khám thực thể.
Thuật ngữ “erythroderma” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1868 để mô tả viêm da tróc vẩy ảnh hưởng lên ít nhất 90% diện tích bề mặt da. Trước đây, viêm da tróc vẩy được phân loại trên lâm sàng thành ba biến thể: Wilson-Brocq (thể mạn tính tái phát), Hebra (thể mạn tính kéo dài hoặc tiến triển) và Savill (thể hạn chế). Những phân loại này hiện nay không còn được sử dụng vì lâm sàng đang tập trung vào nguyên nhân cơ bản của viêm da.
Nguyên nhân:
Trong hàng loạt các nguyên nhân gây viêm da tróc vẩy, nguyên nhân phổ biến như sau:
- Viêm da cơ địa (24%): thường gặp là viêm da dị ứng (9%), viêm da tiếp xúc (6%), viêm da tiết bã (4%) và viêm da do ánh sáng mạn tính (3%).
- Bệnh vẩy nến (20%)
- Phản ứng của thuốc (19%)
- Ung thư hạch bạch huyết (8%)
Tuy nhiên, viêm da tróc vẩy cũng thường xuyên tự phát trong tự nhiên (khoảng 25%). Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm: bệnh vảy cá, bệnh da bọng nước, vảy phấn đỏ chân lông, hội chứng tăng eosinophil tự phát và lupus ban đỏ hệ thống.
Ở trẻ em, nguyên nhân chính gây viêm da tróc vẩy là bệnh vảy cá, suy giảm miễn dịch, bệnh vảy nến và nhiễm trùng (ví dụ hội chứng bong vảy da do tụ cầu).
Điều trị: điều trị trong cấp cứu bao gồm:
- Bù mất dịch
- Điều chỉnh rối loạn điện giải và nhiệt độ
- Thuốc kháng histamin và corticosteroid
- Bệnh nhân viêm da tróc vẩy cấp tính hoặc trầm trọng có thể phải nằm viện để bù dịch, protein và điều chỉnh rối loạn điện giải.
Sinh lý bệnh
Quá trình sinh lý gây viêm da tróc vẩy tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Cơ bản, lớp biểu bì tăng số lượng tế bào biểu mô liên tục. Sự phân chia tế bào xảy ra gần lớp nền và khi tế bào di chuyển về phía ngoại vi, chúng sẽ bị sừng hóa. Quá trình này cần khoảng 10-12 ngày.
Trong viêm da tróc vẩy, số lượng tế bào của lớp mầm biểu bì và tỷ lệ phân bào được tăng lên. Thời gian vận chuyển của tế bào qua lớp biểu bì bị rút ngắn. Kết quả là các vảy da tróc ra được keratin hóa không hoàn toàn và chứa các chất như protein, acid amin và acid nucleic, dẫn đến mất cân bằng ni-tơ. Số lượng da bong tróc phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Viêm da tróc vẩy do phản ứng phụ của thuốc, eczema và bệnh vẩy nến dẫn đến mất 7,2 g, 9,6 g và 22,6 g da bong tróc tương ứng mỗi ngày (tỷ lệ bình thường là 500-1000 mg). Protein mất trong da bong tróc khoảng 4,2 g, 5,6 g và 12,8 g tương ứng mỗi ngày. Thời gian vận chuyển tế bào bị rút ngắn cũng dẫn đến sự suy yếu chức năng hàng rào của da và do đó làm tăng hấp thu thuốc qua da.
Một quá trình sinh lý khác phổ biến trên tất cả các dạng viêm da bong tróc là tăng lượng máu chảy tới da, cùng với sự suy giảm chức năng hàng rào của da dẫn tới tăng mất dịch thông qua tuyến mồ hôi. Mất nước và phản xạ nhịp nhanh là biểu hiện phổ biến. Trong trường hợp nặng, có thể xảy ra suy tim. Tăng lưu lượng máu qua da cũng dẫn đến tăng mất nhiệt và có thể dẫn đến tăng chuyển hóa và suy giảm sức khỏe.
Dịch tễ học
Tần số
Tỷ lệ và tần suất viêm da tróc vẩy chưa được thống kê.
Chủng tộc
Viêm da tróc vẩy có thể xảy ra ở tất cả các chủng tộc.
Giới tính
Tỷ lệ giữa nam và nữ dao động từ 2:1 đến 4:1.
Tuổi
Ngoài trẻ em, tuổi khởi phát trung bình ở người lớn là 60 tuổi.
Giáo dục bệnh nhân
Bệnh nhân cần được giáo dục về nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát (ví dụ: nhiễm trùng da và mô mềm), mất dịch và nước, tăng/giảm thân nhiệt. Bệnh nhân nên tránh các tác nhân gây bệnh đã biết hoặc nghi ngờ (ví dụ: thuốc, dị ứng,…). Uống nhiều nước và tuân thủ chế độ ăn giàu chất đạm để chống lại sự mất dịch và protein là rất cần thiết.