NGĂN NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ TÌNH TRẠNG BẦM DA

Vết máu bầm hay còn được gọi là vết thâm tím xảy ra như một kết quả của tổn thương mao mạch, cho phép dòng máu thoát vào các mô bên dưới (hình 1 và 2). Đây là một hiện tượng lành tính và sẽ biến mất trong một vài ngày. Khối tụ máu (hematoma) là một thực thể nghiêm trọng hơn khi việc tổn thương mạch máu dẫn đến sự tích tụ máu ở mô xung quanh. Kích thước nở rộng của khối tụ máu có thể gây tổn thương các cơ quan quan trọng hoặc dẫn đến hoại tử mô. Vì vậy, chúng cần được tránh và ngăn chặn xảy ra. Các khối tụ máu có thể được điều trị với băng áp suất nếu không có tình trạng chảy máu hoặc bằng cách thoát dịch nếu có chảy máu và khối tụ máu có dấu hiệu nở rộng.

 

Hình 1. Các vết bầm sau khi thực hiện tiêm filler vùng dưới mắt

Hình 2. Vết bầm ở thời điểm 2 ngày sau khi tiêm Botox trên bệnh nhân

đang sử dụng ibuprofen

Ở cơ thể khỏe mạnh, khi có tổn thương nhỏ trên mao mạch, quá trình đông máu diễn ra dẫn đến hình thành cục máu đông ở vùng tổn thương và cuối cùng làm lành mạch máu. Tiểu cầu là một thành phần quan trọng trong quá trình đông máu. Chúng được kích hoạt thông qua sự tiếp xúc với lớp màng nội mạc của mạch máu tổn thương, từ đó sản xuất ra các yếu tố đông máu bên cạnh việc bám chặt vào mô tổn thương và hình thành cục máu đông. Quá trình cầm máu cũng bao gồm sư đông máu là một chuỗi chức tạp gồm hai con đường: con đường hoạt hóa tiếp xúc (còn được gọi là con đường nội sinh) và con đường yếu tố mô (còn được gọi là con đường ngoại sinh) (hình 3). Có một vài yếu tố cần thiết cho việc thực hiện chức năng đúng cách của quá trình đông máu. Vitamin K là một yếu tố cần thiết cho enzyme gan có tên là gamma glutamyl carboxylase đóng vai trò trong sự tổng hợp các yếu tố II, VII, IX và X. Calci cũng cần thiết trong một vài bước của con đường đông máu. Thêm vào đó, còn có sự hiện diện của các yếu tố chống đông chẳng hạn như các protein C và S.

Hình 3. Con đường đông máu

Theo sau sự đông máu và hình thành cục máu đông, quá trình phân hủy fibrin (cần thiết cho việc phá hủy cục máu đông) bắt đầu diễn ra. Con đường này bắt đầu bởi sử hoạt hóa plasminogen là một enzyme được tổng hợp trong gan, nó được biến đổi thành plasmin thông qua tác nhân hoạt hóa plasminogen mô (tissue plasminogen activator – tPA) và các yếu tố khác (hình 4). Plasmin phân hủy fibrin thành một số sản phẩm và kết thúc quá trình này.

Hình 4. Con đường phân hủy fibrin

Đánh giá mức độ nghiêm trọng của vết bầm

Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có hệ thống đánh giá mức độ nghiêm trọng nào của tình trạng bầm được công bố. Sự đánh giá này có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa hay thúc đẩy sư làm lành của vết bầm. Một số tác giả đã thiết lập thang đánh giá Baumann – Castanedo (được trình bày ở các bảng 1 và 2) cho phép người dùng theo dõi màu sắc và kích thước của vết bầm để từ đó đánh giá mức độ nghiêm trọng cũng như sự cải thiện.

Bảng 1. Thang kích thước vết bầm
0 = không bầm

1 = 0.1 – 0.4 cm

2 = 0.5 – 1.0 cm

3 = 1.1 – 2.0 cm

4 = 2.1 – 3.0 cm

5 = 3.1 cm trở lên

Bảng 2. Thang tiến triển vết bầm (dựa trên sự biến đổi màu sắc)
1 = hồng / đỏ

2 = Tím / Xanh sẫm

3 = Xanh lá / Vàng sẫm

4 = Vàng nhạt / nâu

5 = Gần như không màu

Vùng bầm ban đầu có màu đỏ tím, sau đó chuyển sang xanh và vàng trước khi mờ dần rồi biến mất hẳn. Hemoglobin trong các tế bào hồng cầu là thành phần tạo nên màu đỏ tím ở vết bầm. Hai thành phần phân hủy tự nhiên của hemoglobin gây nên sự biến màu bao gồm biliverdin (màu xanh) và bilirubin (màu vàng) – thành phần chuyển hóa từ biliverdin (hình 5).

Hình 5. Sự chuyển màu vết bầm

Khi thực hiện một quy trình thẩm mỹ có khả năng gây chảy máu, việc tìm hiểu tiền sử rối loạn chảy máu và sử dụng các loại thuốc chống đông của bệnh nhân có ý nghĩa cần thiết. Ngoài ra, việc khuyến cáo bệnh nhân tránh sử dụng các loại thuốc này trong vòng 10 ngày trước điều trị cũng có ý nghĩa quan trọng (bảng 3). Việc này sẽ giúp giảm đáng kể mức độ bầm khi thực hiện điều trị. Các loại NSAID (thuốc kháng viêm non-steroid) được công nhận với khả năng chống kết tập tiểu cầu. Các thành phần bổ sung khác chẳng hạn như tỏi và ginkgo cũng đươc biết có tác dụng ức chế tiểu cầu. Bên cạnh đó, trà xanh và Vitamin E tăng cường sự chảy máu lần lượt nhờ vào tác dụng chống kết tập tiểu cầu và thông qua việc ức chế con đường đông máu nội sinh.

Tình trạng bầm cũng có thể được ngăn ngừa hoặc điều trị bằng việc sử dụng một số chế phẩm bổ sung từ thực vật chẳng hạn như bromelanin và arnica.

Bromelain

Bromelain là một hợp chất tồn tại tự nhiên trong quả dứa chín và chứa các enzyme thủy phân protein. Trong nhiều năm qua, thành phần này đã được sử dụng trong y học nhờ vào các tác dụng kháng thrombin, tiêu fibrin và kháng viêm. Bromelain được tin rằng mang lại tác dụng chống đông máu thông qua việc ức chế sự kết tập tiểu cầu. Pirotta và De Guili-Morghen đã giải thích hoạt động tiêu fibrin của bromelain trên chuột là thông qua việc kích hoạt biến đổi plasminogen thành plasmin. Bromelain cũng đã được chứng minh giúp giảm tính thấm mạch máu thông qua việc làm giảm nồng độ bradykinin, dẫn đến giảm sưng phù, cảm giác đau và viêm. Không có liều khuyến cáo tiêu chuẩn cho việc sử dụng bromelain. Bromelain được sử dụng ở nhiều liều khác nhau từ 200 – 2000mg. Trong điều trị viêm xương khớp, bromelain được dùng ở liều từ 540 – 1890 mg / ngày và đạt được hiệu quả tốt. Bromelain được cho rằng an toàn, tuy nhiên, bằng chứng về các tác dụng không mong muốn (chẳng hạn như đau đầu, các triệu chứng tiêu hóa và phát ban da) đã được quan sát thấy ở các liều cao hơn. Đáng chú ý, bromelain không nên được dùng trên những bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông (chẳng hạn như warfarin và aspirin) trước khi tư vấn ý kiến của bác sỹ. Hầu hết các chuyên gia da liễu khuyến cáo sử dụng bromelain 500 mg / ngày sau điều trị để ngăn ngừa vết bầm, hoặc nếu tình trạng này xảy ra thì dùng liều 500 mg 2 lần / ngày cho đến khi vết bầm biến mất hẳn. Bromelain không nên được sử dụng trước quy trình điều trị bởi vì theo kinh nghiệm của một số tác giả thì việc này có vẻ gia tăng nguy cơ tạo bầm hơn so với hiệu quả phòng ngừa.

Arnica

Arnica (còn được gọi là thuốc lá núi) là một chiết xuất có nguồn gốc từ một vài loài thực vật núi bao gồm Arnica Montana, Arnica chamissonis, Arnica fulgens, Arnica cordifolia và Arnica sororia. Nó được sử dụng rộng rãi trong phép chữa vi lượng đồng cân (homeopathic) vì có chứa helenalin là một sequiterpene lactone vốn là thành phần hoạt chất chính mang lại tác dụng chống viêm. Helenalin đã được chứng minh có khả năng ức chế sự hoạt hóa NF-kB trong các tế bào T, B và tế bào biểu mô; NF-kB được cho là yếu tố sao mã của một vài cytokine. Cơ chế tác động chính xác của arnica trong việc điều trị các vết bầm vẫn chưa được biết, tuy nhiên, nó được cho rằng có ảnh hưởng đến chức năng của tiểu cầu trong các thử nghiệm in vitro. Các thử nghiệm lâm sàng về việc điều trị vết bầm với arnica có tính mâu thuẫn. Trong một nghiên cứu trên 200 bệnh nhân nhổ răng khôn hoặc cắt bỏ cuống chân răng, các đối tượng được chỉ định sử dụng arnica 1 lần / ngày trong 3 ngày trước quy trình và tiếp tục sử dụng 2 lần / ngày sau quy trình trong trường hợp phù nề. 90% bệnh nhân được báo cáo không có tình trạng sưng và bầm. Tuy nhiên, nghiên cứu này thiếu nhóm chứng mù. Alonso và cộng sự đã đánh giá 19 bệnh nhân với tình trạng giãn mạch máu vùng mặt được điều trị với laser trong một nghiên cứu đối chứng mù đôi. Các đối tượng được phân thành hai nhóm trước và sau điều trị với laser nhuộm xung. Nhóm trước điều trị được chỉ định sử dụng gel arnica trên nửa bên mặt và tá dược đơn thuần trên nửa bên mặt còn lại trong 2 tuần trước quy trình laser. Nhóm sau điều trị được chỉ định chế độ sử dụng giống hệt như vậy sau quy trình laser. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nào được ghi nhận về việc ngăn ngừa và thúc đẩy loại bỏ vết bầm. Tuy nhiên, nghiên cứu này sử dụng công thức điều trị vi lượng đồng cân của arnica vốn chứa hàm lượng arnica rất thấp. Các công thức với hàm lượng arnica cao hơn có khả năng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Một nghiên cứu đối chứng mù đôi ngẫu nhiên khác trên 130 bệnh nhân phẫu thuật loại bỏ tĩnh mạch cũng không thành công trong việc cho thấy sự khác biệt trên các bênh nhân được điều trị với arnica (cả trước và sau phẫu thuật) so với nhóm chứng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số tác giả, tình trạng bầm có vẻ được ngăn ngừa khi bệnh nhân được khuyến cáo sử dụng 4 viên arnica homeopathic với thông tin “pha loãng 30 lần” trên nhãn trong 4 – 6 giờ trước một quy trình thẩm mỹ. Các liều cao của arnica dùng đường uống có thể nguy hại, vì vậy bệnh nhân nên được cảnh báo không sử dụng vượt quá liều trên. Một số bệnh nhân có tình trạng nhạy cảm với hợp chất helenalin trong arnica. Nếu nhận thấy hiện tượng phát ban nhẹ thì có khả năng này và nên ngừng sử dụng.

Kết luận

Mặc dù các vết bầm có thể được ngăn ngừa bởi một số kỹ thuật nhất định trong điều trị da liễu thẩm mỹ, chúng vẫn được xem là một tác dụng phụ không thể tránh khỏi của các quy trình tiêm trong da. Vì vậy, các chuyên viên điều trị có trách nhiệm thông tin cho bệnh nhân về tác dụng không mong muốn này. Bệnh nhân cần được biết rằng các vết bầm có thể cần khoảng 7 – 14 ngày để hồi phục, từ đó sắp xếp thời gian điều trị phù hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sen Spa