CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN THAY DA SINH HỌC (PHẦN I)

Dị ứng

Đây là tình trạng phổ biến khi sử dụng các loại kháng sinh dạng kem hay thuốc mỡ trong thời gian hồi phục sau quy trình: tỷ lệ dị ứng từ 5-10% nên được tiên lượng khi sử dụng kháng sinh có chứa neomycin. Ngoài ra, tình trạng mỏng lớp sừng tạm thời sau quy trình còn cho phép các sản phẩm thẩm thấu vào da dễ dàng hơn, từ đó gia tăng nguy cơ dị ứng tiếp xúc mạnh hơn.

Nhiễm trùng

Vấn đề này cũng thường xảy ra khi bệnh nhân phải tự thực hiện việc chăm sóc da sau điều trị vốn khá phức tạp. Các nguyên tắc vô trùng cơ bản không được phổ biến rộng rãi trong công chúng và cần phải được huấn luyện đặc biệt để có thể áp dụng hiệu quả. Bệnh nhân càng phải tự mình chăm sóc da thì tỷ lệ nhiễm trùng càng cao.

Tự ý kéo, lột da bong tróc

Việc này sẽ rất dễ dẫn đến nhiễm trùng, đỏ da kéo dài và thậm chí tạo sẹo. Bệnh nhân cần phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc cơ học với da trong thời gian hồi phục sau điều trị.

Ánh nắng mặt trời

Cần phải lưu ý rằng việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong điều kiện không được bảo vệ chỉ khoảng 10 phút là đủ để kích hoạt các biến đổi sắc tố ở những bệnh nhân nhạy cảm trong thời gian nghỉ dưỡng.

Da mất nước sau quy trình

Tình trạng da khô và bong tróc gây cảm giác khó chịu thường khiến bệnh nhân không chịu được và dùng tay lột gở các mảnh da, từ đó tạo nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng bao gồm nhiễm trùng thứ cấp, viêm da và tạo sẹo. Sử dụng Vaseline® trắng giúp giảm các cảm giác ngứa và căng cứng da sau quy trình thay da trung bình hoặc sâu. Vaseline® trắng vô trùng là một loại thuốc mỡ tuyệt vời có thể được thoa lên da ngay trong những ngày đầu sau quy trình thay da sâu hoặc sau khi da đã bong tróc hoàn toàn (ngày thứ 9) sau quy trình thay da phenol. Chỉ cần thoa một lớp mỏng để hạn chế cảm giác ngứa do sự khô ráp của lớp tế bào sừng hóa trên bề mặt chưa biệt hóa hoàn toàn thành các tế bào sừng. Vaseline® tạo một lớp phân tử không thấm nước trên bề mặt da giúp ngăn ngừa tình trạng bay hơi của nước ở lớp biểu bì. Lượng nước này được tích tụ ngay bên dưới lớp Vaseline® giúp cung cấp tác dụng dưỡng ẩm tự nhiên từ đó giảm đi đáng kể cảm giác ngứa do sự khô ráp của lớp tế bào sừng hóa.

Ảnh hưởng của tuổi tác đến giai đoạn hồi phục

Bệnh nhân lớn tuổi

Các quy trình thay da nông được thực hiện bình thường ngay cả đối với những bệnh nhân trên 80 tuổi. Với người cao tuổi, dường như ít có các biểu hiện biến đổi sắc tố hơn tuy nhiên nguy cơ nhiễm trùng về mặt lý thuyết là cao hơn. Trên lý thuyết, khả năng suy yếu của tế bào sừng trong việc tái tạo, sự tồn tại nhiều bất thường tế bào, nguyên bào sợi không hoạt động và xơ cứng mạch máu dưới da là các yếu tố làm chậm lại quá trình làm lành da sau điều trị ở các bệnh nhân lớn tuổi. Tuy nhiên về mặt thực hành lâm sàng, vấn đề thực sự chỉ là sự gia tăng độ nhạy cảm với nhiễm trùng do hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu. Yếu tố quan trọng hơn có vẻ là mức độ lão hóa thực tế của làn da chứ không phải bản thân tuổi tác. Nhiều quy trình thay da phenol đã được thực hiện trên các bệnh nhân ở độ tuổi 80 mà không có bất cứ vấn đề gì.

Bệnh nhân trẻ tuổi

Ngược lại, độ tuổi nào là tối thiểu cần thiết để có thể thực hiện liệu pháp thay da sinh học? Trong hầu hết các trường hợp, quy trình thay da chỉ cần thiết đối với tình trạng mụn viêm ở bệnh nhân trẻ tuổi. Mụn thực sự đáp ứng rất tốt với các quy trình thay da biểu bì cạn hay thay da đến lớp đáy của biểu bì. Các quy trình thay da sâu hơn không được khuyến cáo chỉ định khi da đang trong tình trạng viêm nhiễm. Sự hiện diện của mụn trứng cá cho thấy hệ thống hormone đã thúc đẩy hình thành làn da ở độ tuổi trưởng thành – dày, tiết dầu nhiều và có khả năng kháng acid.

Sử dụng corticosteroid

Corticosteroid dùng ngoài

Các loại corticosteroid này chỉ được chỉ định cho các trường hợp ngứa hoặc phù nề nghiêm trọng trong suốt những ngày đầu sau quy trình thay da. Giải pháp tốt nhất là bắt đầu với corticosteroid tác dụng ngắn hạn (hydrocortisone hay bethametasone). Các loại kem có công thức dựa trên cortisone có thể được sử dụng trong những ngày đầu để cải thiện tình trạng ngứa hay phù nề quá mức. Quy trình thay da càng sâu, càng cần thiết phải bổ sung các tác nhân làm mềm da. Việc dưỡng ẩm da sau quy trình là vô cùng cần thiết (ngoại trừ quy trình thay da với hỗn hợp nhão Unna), các loại kem dưỡng ẩm phải không chứa cồn hay chất tạo mùi.

Corticosteroid đường uống

Loại này hiếm khi được chỉ định kết hợp với thay da, chúng chỉ được dùng trong một số trường hợp cụ thể nhất định (sẽ được nêu trong một phần khác).

Corticosteroid đường tiêm tĩnh mạch

Corticosteroid tiêm tĩnh mạch có thể được dùng dự phòng trước quy trình thay da sâu để giảm thiểu phù nề ngay sau quy trình đồng thời tránh các phản ứng dị ứng hay co thắt thanh quản. Mặt khác, chúng làm giảm viêm sau thay da, phản ứng này thực tế vốn cần thiết để khởi động quá trình làm lành và phục hồi da. Mức độ viêm giảm xuống sẽ có nguy cơ làm chậm lại giai đoạn đầu tiên của quá trình tái tạo da.

Quá trình làm lành làn da

Việc hiểu được quá trình làm lành của làn da sau một quy trình thay da cho phép đánh giá được các nguy cơ tạo sẹo, nhiễm trùng và rối loạn sắc tố. Các thông tin sâu hơn về cơ chế làm lành của da liên quan đến độ sâu thay da cũng như phương pháp đánh giá nguy cơ sẽ được cung cấp trong một phần khác. Về mặt mô học,          quá trình làm lành da diễn tiến theo một chuỗi chính xác các giai đoạn khác nhau và bắt đầu gần như ngay lập tức sau tổn thương: bạch cầu tập trung vào vùng điều trị ngay sau khi các tác nhân xâm lấn được thoa lên da và cư trú ở đó trong 3-5 ngày. Các đại thực bào có mặt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 10 và tế bào lympho thì xuất hiện từ ngày thứ 6 hoặc thứ 7. Hoạt động tái tạo biểu mô bắt đầu từ rất sớm, chỉ 24 giờ sau quy trình thay da với biểu hiện đầu tiên là sự di chuyển hướng tâm của các tế bào sừng và theo sau đó là sự tăng sinh tế bào nhanh chóng. Sau giai đoạn tái tạo biểu mô, collagen bên trong da được tái sinh trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng. Cần thiết phải có sự kiên nhẫn để đánh giá được đầy đủ các kết quả cuối cùng.

Tốc độ tái tạo da sau quy trình thay da trung bình phụ thuộc vào nồng độ các đơn vị bã nhờn (PSUs) ở vùng điều trị: vùng mặt có nhiều PSUs, vùng mũi và trán có nhiều PSUs hơn các vùng má và thái dương. Theo thống kê, má và thái dương được chứng minh nhạy cảm hơn trong việc hình thành sẹo. Các lớp da bên dưới của mí mắt mỏng hơn tuy nhiên dày đặc hơn so với phần còn lại của gương mặt, ngoài ra vùng tiếp xúc biểu bì – trung bì cũng phẳng hơn. Vùng da ở mặt trên bàn tay có ít PSUs cũng như ít mỡ dưới da. Vùng da lưng rất dày và lớp trung bì của nó dày đặc collagen, tuy nhiên, lượng PSUs lại ít hơn so với ở mặt và do vậy nguy cơ hình thành sẹo sau thay da cũng cao hơn. Lớp trung bì ở các làn da tổn thương nghiêm trọng do ánh nắng mặt trời có quần thể tế bào suy yếu, khá mỏng và chậm hơn trong việc trung hòa các acid. Tác dụng của các acid xâm lấn do đó được gia tăng dẫn đến sự nguy hiểm hơn khi thực hiện các quy trình thay da trên những làn da này so với da khỏe và được dưỡng ẩm tốt. Hơn nữa, da bị tổn thương ánh sáng cũng có ít PSUs hơn và có xu hướng phục hồi, tái tạo chậm hơn.

Trong điều kiện vết thương hở, quá trình làm lành sẽ diễn ra nhanh hơn so với khi được phủ kín. Điều này không quá quan trọng đối với các quy trình thay da biểu bì tuy nhiên cần phải xem xét đối với thay da trung bình và sâu. Một ưu điểm của thay da so với laser là nó để lại một lớp tế bào da chết trên bề mặt có tác dụng bảo vệ da và tăng cường quá trình tái tạo biểu mô. Các mảnh còn lại trên da sau quy trình nên được để yên và không được tác động vào bởi nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cho quá trình tái tạo da diễn ra hiệu quả. Mặt khác, các loại laser làm bốc hơi các lớp cấu trúc da và các vết thương trên da hở hoàn toàn sau quy trình. Các loại băng dán trên thị trường (ví dụ như Convatec, Omniderm, Vigilon) cho phép quá trình làm lành da diễn ra tốt hơn trong môi trường ẩm sau liệu pháp laser. Vấn đề của việc băng kín vết thương là làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và cần phải được theo dõi chặt chẽ, bởi vi khuẩn được biết có khả năng tăng sinh trong môi trường kín mạnh hơn so với trong điều kiện thoáng khí. Hơn nữa, hệ thống miễn dịch của da sau quy trình thay da sâu cũng bị giảm đi phần nào, vì vậy điều kiện làm lành của da không nên là môi trường bên dưới băng kín mà thay vào đó nên là môi trường “bên dưới vảy”.

Hình 1. Sau quy trình thay da phenol, các lớp vảy bismuth subgallate xuất hiện khô cứng trên da tuy nhiên lại hỗ trợ rất nhiều cho quá trình làm lành với môi trường ẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sen Spa