ĐIỀU TRỊ RỤNG TÓC

BỆNH HỌC

Nguyên nhân rụng tóc

Sự phát triển của tóc trên da đầu xảy ra theo một chu kỳ hoạt động gồm có 3 giai đoạn: anagen (giai đoạn mọc tóc xảy ra hoạt động gián phân mạnh), catagen (hoạt động gián phân đột ngột dừng lại) và cuối cùng là telogen (giai đoạn nghỉ). Thời gian của các giai đoạn này dường như phụ thuộc vào các yếu tố tại chỗ và yếu tố di truyền, giai đoạn anagen của tóc có thể kéo dài hơn 3 năm. Bình thường tóc anagen chiếm 80-90%, catagen 5% và tóc telogen 10-15%. Hàng ngày có 50 – 100 sợi tóc rụng, số tóc này là tóc được thay thế hàng ngày.

Sự tăng trưởng tóc ở người bị thay đổi bởi tuyến giáp cũng như các hormon thai kỳ như androgen. Các hormon thai kỳ duy trì các nang tóc ở giai đoạn anagen và sau khi sinh đẻ sẽ đưa các nang trở lại giai đoạn catagen và telogen dẫn đến rụng tóc.

Một trong những dạng rụng tóc thường gặp là rụng tóc do androgen (androgenetic alopecia – AGA). Hoạt động của các hormon androgen, chủ yếu là dihydrotestosterone (DHT) có liên quan đến AGA thường cần cho sự phát triển sinh dục bình thường ở nam giới và có tầm quan trọng khác ở cả hai giới trong việc duy trì ham muốn tình dục và điều hòa sự tăng trưởng tóc.

Androgen điều hòa các lông tơ thành các lông trưởng thành dài hơn, dày hơn và có màu sậm hơn. Tuy nhiên, trên da đầu, hormon này chuyển tóc trưởng thành thành các sợi tóc tơ mảnh. Rụng tóc do androgen (AGA) gây ra do sự thu nhỏ các nang tóc về mặt di truyền, là sự thay đổi chậm các nang tóc lớn trưởng thành thành tóc tơ ngắn hơn, mỏng hơn với giai đoạn anagen ngắn hơn nhiều.

Testosteron (T) là một androgen chính ở nam giới, biến đổi thành 5α- dihydrotestosterone (DHT) nhờ vào 5α-reductase với NADPH là chất đồng vận trước khi kết hợp với thụ thể androgen. 5α-DHT gắn với thụ thể cho ra phức hợp hormone-thụ thể kích hoạt sớm gen có trách nhiệm biến đổi nang tóc thành các nang chín non. Do đó trong chu trình mọc tóc, giai đoạn tăng trưởng sẽ ngắn lại, các nang tóc trở nên nhỏ đi và sẽ tạo nên các sợi tóc ngắn, mỏng manh bao phủ ít da đầu. Có hai loại 5α-reductase type 1 và 2, chuyển đổi androgen yếu (T) thành androgen có hoạt tính (DHT. Bên cạnh việc T được chuyển hóa thành 5α-DHT thì dehydroepiandrosterone (DHEA) có khả năng chuyển đổi thành T, T được chuyển hóa sau đó gây ra tình trạng rụng tóc. Các enzym khác liên quan đến rụng tóc là aromatase nằm trong bao rễ của các nang tóc. Aromatase chuyển T (tiền chất của DHT) và androstenedione tương ứng thành các estrogen estradiol và estrone. Do đó điều này giải thích tại sao mức độ rụng tóc ở nữ ít hơn, nữ giới có lượng aromatase cao gấp 2-5 lần nam giới. Do đó, các nguyên nhân chung gây rụng tóc là androgen, di truyền và tuổi tác.

Rụng tóc androgen di truyền (androgenetic alopecia – AGA)

Định nghĩa

AGA còn gọi là chứng hói tiến triển, hói kiểu nam giới hay rụng tóc có tính chất di truyền ở nữ giới, xuất hiện do tố bẩm sinh di truyền và tác động của androgen lên nang tóc ở đầu. Xuất hiện ở nam giới nhiều hơn, thường ở nam 20-40, nữ xuất hiện muộn hơn, 40% ở tuổi 60-70.

Người trẻ, nam cũng như nữ, bị rụng tóc loại AGA, có nồng độ 5α-reductase cao trong máu, nhiều thụ thể androgen và ít enzym aromatase để biến đổi testosterone thành estradiol ở các nang tóc vùng trán. Một số bệnh nhân có tăng androgen.

Triệu chứng lâm sàng

 

AGA ở nam giới (trái) và nữ giới (phải)

Ở nam giới, đầu tiên diễn ra ở vùng trán, sau đó ở đỉnh đầu. Rụng tóc ở nam giới rời rạc ở vùng trán, thái dương, ở giữa và đỉnh đầu, thường rụng tóc tạo thành một đường ở phía trước hình chữ M, ở vùng trán thái dương rồi rụng vùng đỉnh hậu quả là để lại một vành tóc ở hai bên và vùng chẩm của đầu. Nam giới  bị AGA lan toả lại mọc nhiều lông giới tính thứ phát ở nách, mu, ngực, râu cằm. Ở phụ nữ, rụng tóc thường bắt đầu ở đỉnh đầu. Không giống như nam giới, những phụ nữ có mức độ rụng tóc nhẹ đến vừa không có cùng mật độ thu nhỏ nang tóc ở những vùng da đầu bị ảnh hưởng. Ở nữ trẻ bị AGA có các dấu hiệu nam tính hoá như có trứng cá, lông ở thân mình và vùng mặt, kinh nguyệt không đều. Tóc ở vùng AGA mảnh hơn, ngắn hơn, trở thành lông tơ và teo hoàn toàn.

25.1.2.3. Xét nghiệm

  • Tóc đồ (trichogram): thấy tăng tỷ lệ phần trăm tóc telogen (bình thường 80-90% các sợi tóc ở anagen, telogen 10-15%)
  • Mô bệnh học: nhiều nang tóc ở pha telogen, nang tóc giảm kích thước gần như teo hoàn toàn.Tóc chuyển thành lông tơ, sợi tóc ngắn giảm đường kính.

CÁC ĐIỀU TRỊ ĐÃ ĐƯỢC THIẾT LẬP

Các điều trị dược phẩm đã được chứng tỏ hiệu quả đối với AGA có thể phân loại thành hai nhóm: các chất làm biến đổi đáp ứng sinh học và các chất chẹn androgen. Các chất làm biến đổi sinh học kiểm soát sự phát triển của nang tóc thông qua nhiều cơ chế như tạo phân bào, ức chế miễn dịch, giãn mạch, hình thành mạch, liên quan yếu tố tăng trưởng và thông qua điều hòa sự biệt hóa tế bào. Các chất chẹn androgen có thể được chia thành các chất ức chế 5α-reductase (finasteride) và các chất đối kháng thụ thể androgen (spironolactone và cyproterone acetate).

Chất làm biến đổi đáp ứng sinh học

Minoxidil

Minoxidil là một dẫn xuất pyrimidine có cấu trúc hóa học là 2,4-diamino-6-piperidinipyrimidin-3-oxit. Minoxidil được biết đến vào đầu những năm 1970 là một thuốc hạ áp để điều trị bệnh cao huyết áp. Đây là chất giãn mạch tác động trực tiếp, hoạt động chuyên biệt mở các kênh kali. Minoxidil cũng gây hội chứng rậm lông, gia tăng sự tăng trưởng tóc, đây là tác dụng phụ thấy ở hầu hết những bệnh nhân được điều trị với minoxidil trong suốt những năm 1970. Các bác sĩ da liễu xem xét thử nghiệm minoxidil đường uống để điều trị bệnh rụng tóc nhưng nhận thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng như tăng cân và giữ nước mà cần phải điều trị bằng thuốc lợi tiểu sau đó nên họ quyết định thử nghiệm các công thức minoxidil tại chỗ.

Các thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành với công thức minoxidil tại chỗ 1%, 2% và 5% có đối chứng với giả dược để kiểm tra hiệu quả của thuốc này trong điều trị AGA ở nam giới và nữ giới. Sự tăng trưởng tóc được đánh giá qua số lượng tóc và trọng lượng tóc ở vùng bị rụng. Đối với nam giới, công thức 2% và 5% nhận thấy hiệu quả hơn 1% và giả dược. Trên thực tế, các thử nghiệm tiếp theo so sánh công thức 2% và 5% đối với nam giới nhận thấy công thức 5% hiệu quả hơn và hầu như không có tác dụng phụ ở bất kỳ bệnh nhân nào được điều trị. Đối với phụ nữ, nhìn chung công thức 2% tốt hơn giả dược và an toàn để sử dụng hơn công thức 5%. Nguyên nhân là do gia tăng xuất hiện nhiều tác dụng phụ như ngứa, kích ứng tại chỗ, eczema tiếp xúc, khô da, nhức đầu và rậm lông khi sử dụng minoxidil 5% ở phụ nữ. Gần đây, dung dịch tại chỗ 1% đã được chứng minh hiệu quả ở phụ nữ châu Á. Sau nhiều thử nghiệm và nghiên cứu, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đã phê duyệt dung dịch minoxidil tại chỗ 2% cho điều trị AGA ở nam giới vào năm 1988 và cho nữ giới và năm 1991. Dung dịch 5% được phê duyệt để điều trị AGA vào năm 1997 chỉ đối với nam giới.

Minoxidil được chỉ định trong điều trị AGA tại đỉnh đầu, thuốc không có tác dụng đối với AGA ở trán. Nhìn chung, cần ít nhất 4 tháng điều trị liên tục trước khi tóc bắt đầu mọc và tiếp tục mọc thêm khi điều trị đến 1 năm.

Chưa có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm chứng được thực hiện trên phụ nữ có thai điều trị với dung dịch minoxidil tại chỗ cũng như trên phụ nữ có thai uống minoxidil để điều trị cao huyết áp. Minoxidil khi dùng theo đường uống đi kèm với sự gia tăng tỷ lệ tiêu thai ở thỏ, tuy nhiên tác dụng này không xảy ra ở chuột lớn, khi dùng gấp 5 lần liều uống điều trị cao huyết áp dùng cho người. Không có bằng chứng sinh quái thai khi cho chuột lớn hay thỏ uống minoxidil. Tiêm dưới da minoxidil cho chuột lớn đang có thai với liều 80mg/kg/ ngày (khoảng 2000 lần liều hấp thu toàn thân tối đa ở người khi dùng tại chỗ mỗi ngày) đã gây độc cho chuột mẹ nhưng không gây quái thai. Liều tiêm dưới da cao hơn cho bằng chứng gây độc tính trên sự phát triển. Do đó, để thận trọng, minoxidil không nên dùng cho phụ nữ có thai. Đã có một báo cáo về sự tiết minoxidil trong sữa mẹ ở một phụ nữ được điều trị cao huyết áp bằng 5mg minoxidil uống mỗi ngày hai lần. Do khả năng  tác dụng ngoài ý muốn lên trẻ được nuôi bằng sữa mẹ do sự hấp thu minoxidil, không nên dùng minoxidil cho bà mẹ nuôi con bú.

Chất chẹn androgen

Finasterid

 

Cơ chế tác động của finasterid

 

Finasterid là một loại thuốc tương đối mới, là thuốc thứ hai được được FDA phê duyệt để điều trị AGA và xuất hiện trên thị trường vào tháng 12 năm 1997. Finasterid là một dẫn chất steroid, ức chế 5α-reductase type 2 chuyển testosteron thành dihydrotestosterone (DHT). 5α-reductase type 2 được tìm thấy chủ yếu trong các nang tóc và hệ thống niệu sinh dục, trong khi type 1 hiện diện khắp nơi trong các tuyến bã nhờn, các tế bào keratin, các tuyến apocrine và các nhú da. Sự ức chế enzym type 2 chọn lọc này ngăn chặn hoạt động có hại của DHT lên các nang tóc mà không có bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào đến lượng testosterone lưu hành. Điều may mắn là DHT có rất ít lợi ích đối với nam giới trưởng thành, chỉ góp phần vào sự phì đại tuyến tiền liệt, rậm lông và mụn.

Các nghiên cứu quy mô lớn, đa trung tâm, có kiểm soát đã chứng minh các lợi ích khách quan (qua phân tích hình ảnh và số lượng tóc) và chủ quan (qua các báo cáo của bệnh nhân) mà finasterid đem lại đối với sự hồi phục tóc. Tổng số 83% nhóm bệnh được điều trị với finasterid cho thấy sự ổn định nang tóc trong 1 năm so với 72% ở nhóm đối chứng cho thấy rụng tóc gia tăng. Hơn nữa, 66% nhóm được điều trị với finasterid cho thấy sự tái tăng trưởng tóc vào năm thứ 2. Tuy nhiên, những bệnh nhân đã ngưng sử dụng finasterid cho thấy mất đi sự tái tăng trưởng tóc. Một nghiên cứu mở rộng ở 5 năm đã chứng minh sự cải thiện lâu dài ở nhóm điều trị so với sự rụng tăng dần ở nhóm đối chứng. Một nghiên cứu nhỏ hơn ở 9 cặp sinh đôi cùng trứng cũng chứng minh lợi ích khách quan và chủ quan với nhóm điều trị và nhóm giả dược. Một nghiên cứu dò liều đã xác định liều đường uống 1mg là tối ưu cho sự phát triển của tóc. Nghiên cứu khác không nhận thấy lợi ích ở phụ nữ sau mãn kinh sau 12 tháng điều trị. Tình trạng rối loạn chức năng sinh dục có thể phát sinh với tần suất cao hơn nhóm dùng giả dược (4,2% so với 2,2%) và có thể mất khi ngưng sử dụng thuốc và thậm chí ở 58% người tiếp tục điều trị. Sau khi ngưng dừng thuốc, các phản ứng phụ thường biến mất trong vòng vài tuần.

Theo FDA của Mỹ thì finasterid có chỉ định sử dụng trong điều trị rụng tóc nội tiết của cả nam và nữ. Nhưng trên thực thực hành, finasterid chỉ sử dụng cho bệnh nhân nam. Hiệu quả điều trị của finasterid được đánh giá tốt đặc biệt ở nhóm bệnh nhân ở độ tuổi 18-40. Liều sử dụng 1 mg/ngày và thời gian điều trị trong 6 tháng đến 1 năm. Các tác dụng phụ của finasterid ở liều 1mg thường không phổ biến. Finasterid không được dùng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai hay có thể mang thai vì việc ức chế 5α-reductase có thể gây dị dạng cho lá phôi ngoài của phôi thai nam.

Cyproteron acetat

Cyproterone acetate là một chất đối kháng thụ thể androgen và progestin, chỉ nên được sử dụng ở phụ nữ do nguy cơ làm phát triển các đặc tính sinh dục nữ ở nam giới. Mặc dù các lợi ích đối với rậm lông và mụn đã được chứng minh nhưng các thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát trên AGA vẫn chưa được thực hiện. Những tác dụng phụ gồm có rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, đau ngực, trầm cảm, buồn nôn và giảm ham muốn tình dục.

Spironolacton

Giống như cyproteron acetat, spironolacton hoạt động như một chất chẹn thụ thể androgen, do đó những loại thuốc này có hiệu quả kháng androgen hệ thống nên được chống chỉ định ở nam giới. Spironolacton đường uống là một chất đối kháng aldosteron, ức chế cạnh tranh với thụ thể androgen và can thiệp yếu vào sự sinh tổng hợp androgen thượng thận. Một số thử nghiệm lâm sàng đã ủng hộ việc sử dụng spironolacton đối với AGA nhưng cần thêm nhiều thử nghiệm để xác nhận sự phát hiện ban đầu này. Spironolacton đường uống đã được chứng minh có vai trò lớn trong điều trị rậm lông hơn là AGA. Spironolacton tại chỗ cũng đã được đánh giá cho sử dụng ở những bệnh nhân nam với AGA nhưng hiện nay chỉ trong giai đoạn nghiên cứu sơ bộ. Các tác dụng phụ của spironolacton chủ yếu liên quan đến rối loạn kinh nguyệt nhưng cũng có thể làm gia tăng kali máu.

CÁC ĐIỀU TRỊ THỰC NGHIỆM          

Dutasterid

 

Cơ chế tác động của dutasterid

Giống như finasterid, dutasterid là một chất ức chế mạnh 5α-reductase, nhưng nó nhắm đến cả 2 enzym type 1 và 2. Hoạt tính kép này đưa ra như một cơ chế chứng minh dutasterid có thể hiệu quả hơn trong điều trị AGA. Mặc dù 5α-reductase type 2 là enzym chủ yếu hiện diện ở da đầu nhưng 5α-reductase type 1 vẫn có thể có tác động trên sự phát triển của AGA. Trong một mô hình dược động học, dutasterid đã được đánh giá so sánh với finasterid ở 48 đối tượng nam giới khỏe mạnh. Nghiên cứu nhận thấy rằng dutasterid mạnh hơn gấp 3 lần trong việc ức chế 5α-reductase type 2. Hiện nay, dutasterid đã được FDA phê duyệt cho điều trị phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Các kết quả lâm sàng sơ bộ cho thấy các kết quả có triển vọng với dutasterid trong điều trị AGA.

Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (Vascular Endothelial Growth Factor)

Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) là một cytokin kích thích sự hình thành mạch trong các tế bào nội mô mạch máu. VEGF được nhận biết ban đầu trong tân sinh, làm lành vết thương, bệnh vẩy nến cũng như trong các quá trình sinh lý bình thường. Các nghiên cứu đã ghi nhận vai trò của VEGF trong sự tăng trưởng bình thường của tóc. Khi chu kỳ mọc tóc ở giai đoạn anagen, sự hình thành mạch được kích thích. Một nghiên cứu gần đây đã xem xét vai trò của VEGF trong việc kiểm soát nang tóc bằng cách sử dụng mô hình chuột và nhận thấy rằng chuột biến đổi gen có biểu hiện VEGF có nhiều nang tóc ở giai đoạn anagen hơn, trong khi chuột bị thiếu VEGF cho thấy sự chuyển đổi chậm từ giai đoạn telogen sang giai đoạn anagen và các nang tóc ở giai đoạn anagen nhỏ hơn. Các nghiên cứu nuôi cấy cho thấy sự hiện diện của VEGF không kích thích trực tiếp sự tăng trưởng nhưng sự gia tăng mạch máu do VEGF đã kích thích các nang tóc. Một nghiên cứu trước đây đã xác định minoxidil có thể thúc đẩy sự tăng trưởng tóc thông qua việc điều hòa lên VEGF, nhưng ở thời điểm hiện tại, VEGF chưa trải qua bất kỳ nghiên cứu lâm sàng cuối cùng nào.

Nitroxid

Nitroxid hoạt động để bảo vệ chống lại superoxid, hydrogen peroxid và sự gây độc tế bào qua trung gian tia X. Sử dụng nitroxid tại chỗ cho da đầu ở lợn bị rụng lông do bức xạ cho thấy các tác động bảo vệ đối với tình trạng rụng lông và gia tăng tỷ lệ hồi phục. Mặc dù đã phê duyệt cho sử dụng trên những bệnh nhân ung thư bị rụng tóc nhưng nitroxid đang chờ thêm những thử nghiệm lâm sàng đối với AGA.

CÁC HOẠT CHẤT SINH HỌC VÀ THẢO DƯỢC

  • Các acid béo không bão hòa được nhận thấy ức chế đặc biệt 5α-reductase. Các acid béo thiết yếu như linolenic, linoleic, palmitoleic, oleic, myristoleic và các acid stearic được xác nhận hiệu quả ức chế 5α-reductase của chúng và tái tăng trưởng tóc, đặc biệt là acid linolenic. Do đó acid linoleic được sử dụng như một kiểm soát tích cực trên hoạt động ức chế 5α-reductase. Bên cạnh đó, vitamin B, các phytoestrogen và sắt là các phương pháp điều trị bổ sung đối với tình trạng rụng tóc.
  • Dầu cây hương thảo, vịnh Tây Ấn và dầu hoa cúc có thể cải thiện sự tăng trưởng tóc cũng như dầu lavender và bergamot được sử dụng để điều trị gàu. Dầu cây trà được sử dụng trong điều trị gàu vì nó có các đặc tính kháng nấm cùng với hiệu quả kháng viêm trong việc bảo vệ rụng tóc. Sự kết hợp của tinh dầu với sự massage nhẹ da đầu đã được nhận thấy cải thiện hiệu quả tình trạng AGA. Sự kết hợp của Pimenta racemosa, Myrtus communis, Cedrus atlantica, Laurus nobilis, Pogostemon patchouli, Rosmarinus officinalis, Salvia officinalis, S. sclarea, Thymus satureioides, Cananga odorata và xung điện tử làm gia tăng mật độ tóc và tỷ lệ tóc ở giai đoạn anagen trên tổng số lượng tóc.
  • Các chiết xuất thu được từ quả cây cọ lùn Serenoa repens được cho là ức chế 5α-reductase và ức chế kết hợp DHT vào các thụ thể androgen. Một số nghiên cứu mù đôi, có đối chứng giả dược được tiến hành ở Châu Âu đã xác định hiệu quả trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt. Tuy nhiên khả năng ức chế 5α-reductase được biết đến là ít hiệu quả hơn finasterid. Các kết quả của hoạt động ức chế 5α-reductase vẫn không chắc chắn. Một nghiên cứu sơ bộ trên sự tái tăng trưởng tóc đã cho thấy một số kết quả có triển vọng khi kết hợp sử dụng đường uống và tại chỗ. Các chiết xuất từ cây cọ lùn rõ ràng cho thấy các hiệu quả của nó mà không làm thay đổi đáng kể lượng hormon lưu hành trong cơ thể.
  • Saponin tự nhiên từ Acacia concinna được ứng dụng trong làm sạch tóc với lợi ích bổ sung trị gàu và hoạt động ức chế 21% 5α-reductase ở nồng độ 200µg/ml.
  • Sử dụng dịch ép củ hành (Allium cepa) trên da đầu nhận thấy kích thích hiệu quả sự tái tăng trưởng tóc cả ở nam giới và nữ giới. Hoạt tính này có thể được quy định bởi các tác động kháng viêm và kháng khuẩn của nó do bởi các flavonoid.
  • Gel lô hội đã được sử dụng cho tình trạng rụng tóc và nó được cho là cải thiện sự tái tăng trưởng tóc sau rụng tóc nhờ vào aloenin thúc đẩy sự tăng trưởng tóc mà không gây kích ứng và cung cấp nhiều vitamin B.
  • Asiasari radix là một đông dược để điều trị rụng tóc bởi vì nó có tiềm năng kích thích tăng trưởng tóc, kích thích chuyển từ giai đoạn telogen sang anagen với sự tăng sinh tế bào.
  • Trà (Camellia sinensis) đã được sử dụng rất phổ biến do các đặc tính dược lý của nó. Các hợp chất polyphenol trong trà giúp đẩy nhanh sự tái tăng trưởng tóc. Hơn nữa, epigallocatechin-3-gallat là một thành phần chính đã được báo cáo về tiềm năng đối với điều trị AGA bằng cách ức chế 5α-reductase.
  • Capsaicin từ ớt (Capsicum frutescens) được thấy tích tụ trong các nang tóc giúp kích hoạt giai đoạn anagen và tăng cường sự tăng trưởng tóc ở những người bị AGA.
  • Cuscuta reflexa là một loại thảo mộc truyền thống ở Ấn Độ cho thấy sự thúc đẩy tăng trưởng tóc thông qua tác động ức chế 5α-reductase, mặc dù nồng độ ức chế 50% cao hơn finasterid nhưng chiết xuất thảo dược này được xem như một chất tiềm năng đầy hứa hẹn cho điều trị rụng tóc.
  • Sage (S. officinalis) kết hợp với các loại thảo dược khác làm gia tăng mật độ tóc. Sage được sử dụng để dưỡng tóc cho tóc xoăn, tăng cường và kích thích sự phát triển trong điều trị rụng tóc.
  • Sophira flavescens là một loại đông dược được sử dụng cho điều trị rụng tóc, được chứng minh làm tăng trưởng tóc nhờ tác dụng ức chế 5α-reductase type 2.
  • Hạt nho (Vitis vinifera) chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học như các polyphenolic proanthocyanidin, chuyển thành các procyanidin cho hiệu quả chống oxy hóa mạnh hơn. Các proanthocyanidin từ hạt nho kích thích sự tăng trưởng nang tóc và gia tăng tốc độ tóc chuyển từ giai đoạn telogen sang giai đoạn anagen.
  • Hydrodistillation của hạt Zizyphus jujuba cung cấp tinh dầu có tiềm năng thúc đẩy chiều dài tóc, đường kính và mật độ tóc. Hiệu quả đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tóc do các thành phần acid béo như palmitic, oleic, linoleic, linolenic, và các arachidonic acid.

CÁC VITAMIN

Sự thiếu hụt vitamin có liên quan đến rụng tóc nhưng lợi ích cuối cùng về hiệu quả của chúng vẫn chưa được chứng minh. Biotin là một vitamin tan trong nước thường thiếu hụt ở những bệnh nhân dinh dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch. Những bệnh nhân này hiện diện các triệu chứng như rụng tóc và viêm da có vảy. Một số rối loạn chuyển hóa biotin bẩm sinh, thiếu hụt biotinidase và holocarboxylase cũng gây ra rụng tóc và việc bổ sung chế độ ăn uống có biotin có khuynh hướng cải thiện tình trạng rụng tóc. Tuy nhiên, ngoại suy từ những lý do này việc bổ sung biotin có thể mang lại lợi ích đối với AGA có thể là sai lầm và không có các thử nghiệm lâm sàng có giá trị được thực hiện cho đến nay. Một vitamin khác thường được coi là yếu tố đồng vận quan trọng trong chuyển hóa tóc là vitamin D. Vitamin D tại chỗ cũng được sử dụng để điều trị rụng tóc do hóa trị liệu trong các mô hình động vật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sen Spa