LASER / ÁNH SÁNG NĂNG LƯỢNG THẤP TRONG TRẺ HÓA DA

Trong nhiều thập kỷ qua, các quy trình trẻ hóa da chủ yếu xoay quanh hai hướng tiếp cận chính. Thứ nhất là các thao tác cắt, loại bỏ, điều chỉnh cơ học hoặc đưa vào da một vật liệu nhất định (chẳng hạn như trong các quy trình nâng cơ, hút mỡ, tiêm filler, độn cằm,.v.v…). Thứ hai là gây tổn thương da một cách có kiểm soát để kích thích quá trình tái tạo của làn da, từ đó mang lại cho da sự mềm mịn và săn chắc (tái tạo bề mặt da bằng laser hoặc plasma, RF, tái tạo bề mặt vi điểm, siêu âm, thay da hóa học,.v.v…). Không may thay, cả hai hướng tiếp cận này đều có những hạn chế đáng kể. Hướng thứ nhất yêu cầu chi phí rất cao, thường cần thời gian hồi phục kéo dài, có thể gây một số tác dụng phụ và không cải thiện được cấu trúc da. Hướng thứ hai cũng yêu cầu chi phí tương đối cao, thường cần thời gian hồi phục nhất định, gây một số tác dụng phụ và đôi khi làm cho tình trạng của da tệ hơn lúc đầu.

Do vậy, có thể hiểu vì sao người ta luôn có xu hướng tìm kiếm những liệu pháp thay thế hiệu quả với ít tác dụng phụ hơn, chi phí hợp lý hơn và không cần thời gian nghỉ dưỡng. Việc này không hề đơn giản. Các hoạt chất dùng ngoài có thể giúp ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa và mang lại những sự cải thiện nhất định, tuy nhiên hiệu quả của chúng có vẻ không đạt được nhanh chóng và cũng không đáng kể. Lăn kim tỏ ra hứa hẹn và có hồ sơ về độ an toàn tốt. Tuy nhiên, một số người cảm thấy không hài lòng về phương pháp này. Quy trình thực hiện tại nhà dường như không mang lại hiệu quả tốt như các quy trình chuyên nghiệp chi phí cao được thực hiện tại các cơ sở chăm sóc da.

May mắn thay, có một phương pháp khác hứa hẹn mang đến sự cân bằng của tính hiệu quả cao, tác dụng phụ tối thiểu, không cần thời gian hồi phục và chi phí hợp lý được gọi là liệu pháp laser / ánh sáng năng lượng thấp (low lever laser / light therapy -LLLT). LLLT dựa trên tác dụng của bức xạ hồng ngoại gần và ánh sáng nhìn thấy ở một số bước sóng nhất định để kích thích sự phục hồi và tái tạo của mô cũng như giảm viêm và bảo vệ một số dạng tổn thương mô.

Ứng dụng chủ yếu và được ghi nhận nhiều nhất của LLLT trong y học là tái tạo thần kinh và mô, chữa lành vết thương cũng như giảm đau và giảm viêm. Gần đây, LLLT đã dần được ứng dụng vào lĩnh vực trẻ hóa da. Nó đã được báo cáo giúp cải thiện các tình trạng nếp nhăn, lỏng lẻo cấu trúc da và làm mờ sẹo. Dữ liệu sơ bộ cho thấy rằng nó còn có thể cải thiện nhiều vấn đề về da khác như mụn, rối loạn sắc tố, bỏng và có thể là cả vẩy nến.

Nghiên cứu về hiệu quả của LLLT trong trẻ hóa da vẫn còn tương đối hạn chế. Trong khi một số nghiên cứu cho thấy có sự cải thiện đáng kể thì một số khác lại chỉ chứng minh hiệu quả ở mức trung bình, thậm chí không mang lại lợi ích gì. Các kết quả không đồng nhất này có thể là do sự khác nhau của thiết kế nghiên cứu, lựa chọn bệnh nhân và một số yếu tố khác. Cụ thể, vẫn tồn tại những tranh cãi về tần số / mật độ tối ưu của LLLT cũng như thời gian và tần suất lặp lại quy trình. Các nghiên cứu với kết quả tiêu cực có thể đã sử dụng các quy trình với thiết lập không tối ưu. Dù thế nào đi nữa, LLLT vẫn xứng đáng được cân nhắc lựa chọn dựa vào những kết quả nghiên cứu tích cực (dù ít) về hiệu quả trẻ hóa của nó (cũng như các tác dụng bảo vệ và tái tạo mô đã được chứng minh).

LLLT sử dụng bức xạ hồng ngoại gần hoặc ánh sáng nhìn thấy cường độ thấp được tạo ra bởi laser hoặc diode phát quang (light emitting diode – LED). Các bước sóng thường được dùng đối với LLLT nằm trong khoảng 625 – 700 nm (ánh sáng đỏ) hoặc 700 – 2000 nm (hồng ngoại gần) hoặc kết hợp cả hai. Bước sóng được dùng nhiều nhất là 633 nm (chẳng hạn được tạo ra bởi laser / LED helium-neon) và 830 nm được tạo ra bởi nhiều loại laser / diode hồng ngoại.

Cần lưu ý rằng LLLT có thể sử dụng hoặc bức xạ laser hoặc ánh sáng thông thường. Bức xạ laser khác với ánh sáng bình thường ở tính đồng nhất (thành phần sóng điện từ của laser được đồng bộ hóa trong khi ánh sáng bình thường thì không). Ánh sáng đồng nhất ở các thiết bị LLLT được tạo ra hoặc bởi các loại laser cổ điển hoặc bằng các diode laser (một dạng đặc biệt của LED) trong khi ánh sáng không đồng nhất được tạo ra bởi LED thông thường. Các nghiên cứu ban đầu về tính hiệu quả của LLLT sử dụng ánh sáng đồng nhất. Có một số bằng chứng sơ bộ cho thấy rằng chỉ cần tần số giống nhau, ánh sáng không đồng nhất có thể mang lại hiệu quả tương đương ánh sáng đồng nhất đối với LLLT. Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều nghiên cứu hơn nữa là cần thiết.

Cụ thể thì LLLT giúp mang lại tác dụng trẻ hóa và tái tạo như thế nào? Tất cả các quá trình sinh học đều một phần hoặc hoàn toàn dựa trên cơ sở các phản ứng hóa học mà hầu hết trong số chúng đều được xúc tác bởi một số loại protein chuyên biệt bao gồm các enzyme (chất xúc tác hóa sinh), các yếu tố phiên mã (hỗ trợ sự tổng hợp ARN),.v.v… Nhiều protein với cấu trúc cao phân tử lớn và phức tạp có thể hấp thu năng lượng ánh sáng ở một số bước sóng nhất định trong vùng ánh sáng đỏ và vùng hồng ngoại, từ đó chức năng bị biến đổi. Một ví dụ đáng chú ý của protein nhạy cảm với ánh sáng là enzyme ty thể cytochrome C oxidase, vốn là một thành phần then chốt trong quá trình sản xuất năng lượng tế bào. Ánh sáng cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến một số phản ứng sinh hóa, từ đó dẫn đến sự tăng cường sản xuất một số gốc tự do nhất định vốn sẽ tiếp tục thúc đẩy các phản ứng khác. Kết quả cộng gộp của những tác động này là sự thay đổi đáng kể của nhiều quá trình tế bào quan trọng. Cụ thể, LLLT đã được chứng minh giúp thúc đẩy sản xuất năng lượng trong ty thể, tăng cường sản sinh collagen, kích thích vi tuần hoàn,.v.v…

Một số nhà nghiên cứu cho rằng về cơ bản, LLLT hoạt động tương tự như các phương pháp trẻ hóa da ứng dụng nguyên lý gây tổn thương da có kiểm soát để kích thích quá trình làm lành và tái tạo của làn da. Tác động của LLLT kéo theo các biến đổi sinh hóa được nhận thấy trong quá trình tổn thương mô chẳng hạn như tăng cường phóng thích gốc tự do, gia tăng số lượng các cytokine gây viêm, kích hoạt các men thủy phân protein trong mạng lưới cấu trúc da (matrix metalloproteinases – MMPs),.v.v… Tuy nhiên, tổn thương mô thật sự gây ra trực tiếp bởi LLLT là rất nhỏ – LLLT điển hình không gây bất cứ tác dụng phụ nào cũng như tình trạng ban đỏ thoáng qua thường thấy. Dù vậy, LLLT có thể đánh lừa cơ thể rằng tổn thương đang diễn ra ở một mức độ nghiêm trọng hơn, từ đó thúc đẩy phản ứng tái tạo một cách mạnh mẽ. Giai đoạn đầu tiên của đáp ứng này gồm sự phá hủy các thành phần hư hỏng (hoặc bị biến đổi) của mạng lưới cấu trúc da chẳng hạn như collagen, elastin và các glycosaminoglycan. (Tình trạng tổn thương, hư hỏng mạng lưới cấu trúc da xảy ra nhiều ở các vị trí nếp nhăn, sẹo và các kết cấu da bất thường). Tiếp theo sau là sự tổng hợp các thành phần mạng lưới cấu trúc da mới (collagen và elastin) cũng như tăng sinh nguyên bào sợi – thành phần cấu trúc cơ bản của tế bào da. Ngoài ra, một khi giai đoạn tái tạo của quá trình tái cấu trúc diễn ra, mức độ gốc tự do, MMP và viêm sẽ giảm (thường xuống dưới mức cơ bản ban đầu). Kết quả cuối cùng là mô da được cải thiện cả về mặt cấu trúc lẫn sinh lý, có thể đáp ứng với stress tốt hơn trong tương lai.

Có rất nhiều nghiên cứu về các lợi ích của LLLT trong việc chữa lành và tái tạo mô. Nhìn chung, theo các kết quả nghiên cứu thì LLLT tỏ ra mang lại nhiều lợi ích tái tạo mô, kiểm soát viêm và các cơn đau trong một vài lĩnh vực của y học lâm sàng. Khi được đưa vào ngành da liễu với ứng dụng trẻ hóa, LLLT đã cho thấy sự hứa hẹn với một số lợi ích nhất định. Tuy nhiên, chế độ điều trị tối ưu vẫn chưa rõ ràng và cần được nghiên cứu nhiều hơn. Có thể dễ dàng hiểu được thực trạng hiện tại khi một số thiết kế quy trình tỏ ra hiệu quả hơn số còn lại và một số thậm chí có thể không mang lại lợi ích gì. Nhiều nghiên cứu hơn nữa là cần thiết để xác định rằng lựa chọn nào sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất trong các giải pháp ánh sáng đỏ đơn độc, hồng ngoại đơn độc, kết hợp cả hai hay thậm chí là kết hợp liệu pháp ánh sáng với cấp nhiệt cục bộ. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cần làm việc nhiều hơn để tìm ra bước sóng, cường độ, thời gian xung, tần suất điều trị tối ưu cũng như so sánh các nguồn ánh sáng đồng nhất (laser) và không đồng nhất.

Mặc dù nghiên cứu về ứng dụng của LLLT trong thẩm mỹ vần chưa hoàn chỉnh, hiện có rất nhiều thiết bị LLLT trên thị trường dành cho cả các cơ sở điều trị chuyên nghiệp lẫn sử dụng tại nhà. Như đã đề cập ở trên, bởi vì các nghiên cứu về mặt da liễu của LLLT vẫn còn thiếu, hiện không đủ dữ liệu để kết luận rằng thiết bị nào mang lại hiệu quả tốt nhất cũng như chế độ sử dụng nào là tối ưu.

Điều này có nghĩa rằng nên chờ đợi kết quả cuối cùng của các nghiên cứu về chế độ sử dụng tối ưu của LLLT? Đây hoàn toàn là vấn đề quyết định cá nhân trong điều kiện không chắc chắn. Dĩ nhiên việc chờ đợi kết luận toàn diện mang tính thận trọng hơn. Mặt khác, rất nhiều liệu pháp trẻ hóa da và phẫu thuật thẩm mỹ vẫn đã được ứng dụng rộng rãi trước khi tất cả các khía cạnh của chúng được nghiên cứu một cách đầy đủ (chẳng hạn như RF, siêu âm, tái tạo bề mặt da bằng plasma,.v.v…). LLLT dịu nhẹ hơn và có hồ sơ tác dụng không mong muốn tốt hơn rất nhiều so với hầu hết các phương pháp trẻ hóa khác. Do đó, thậm chí nếu LLLT được sử dụng không đúng cách, hậu quả cao nhất có thể cũng chỉ là tốn kém chi phí điều trị mà không ảnh hưởng đến làn da. Vì vậy, phương pháp này vẫn đáng được cân nhắc trải nghiệm trước khi có các kết quả nghiên cứu rõ ràng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sen Spa