PHÂN LOẠI KEM CHỐNG NẮNG

Nhìn chung, các sản phẩm chống nắng được phân thành hai loại chính theo cơ chế tác dụng là chống nắng vật lý và chống nắng hóa học.

Chống nắng vật lý

Kem chống nắng dạng rào cản hay tên gọi phổ biến hơn là chống nắng vật lý có tác dụng phản xạ lại tia UV và hiếm khi gây nên các phản ứng dị ứng. Sản phẩm dạng này ngăn chặn một phổ ánh sáng rộng bao gồm UV, ánh sáng nhìn thấy, bức xạ hồng ngoại và được khuyến cáo sử dụng, đặc biệt là trong những điều kiện tiếp xúc với ánh nắng nắng gay gắt chẳng hạn như ở bãi biển. Những bệnh nhân với làn da nhạy cảm có khả năng thích ứng với chống nắng vật lý tốt hơn so với chống nắng hóa học. Titan dioxide (TiO2), magie oxide, sắt oxide và kẽm oxide (ZnO) là những thành phần chính của kem chống nắng vật lý. Các công thức cũ yêu cầu người dùng phải thoa một lớp dày, bị tan chảy dưới ánh nắng mặt trời, gây bẩn quần áo và có thể làm bít tắt lỗ chân lông. Một số trong các tác nhân này rất đục đến mức nhìn thấy rõ ràng và kết quả tất yếu là chúng không được chấp nhận về tính thẩm mỹ đối với hầu hết người dùng. Một số nhà sản xuất đã chuyển sang quảng bá các sản phẩm này theo hướng thiết kế chuyên biệt dành cho trẻ em.

Các hỗn hợp trong mờ hoặc hệ keo chứa các dạng vi tinh thể của ZnO và TiO2 có tính thẩm mỹ tốt hơn đã được phát triển trong thời gian gần đây. Những công thức này tương đối phổ biến bởi chúng chỉ tồn tại trên bề mặt da và không hấp thu vào hệ thống, từ đó giúp hạn chế tối đa các nguy cơ gây nhạy cảm và kích ứng da đồng thời tối ưu hóa độ an toàn cho người dùng. Thực tế, chưa có báo cáo nào về tình trạng dị ứng tiếp xúc đối với những thành phần này. Trong những năm đầu của thập niên 90, ZnO vi tinh thể đã xuất hiện trên thị trường. ZnO vi tinh thể hấp thu một lượng UV nhiều hơn đáng kể trong vùng UVA sóng dài từ 340nm đến 380nm. Thành phần chống nắng duy nhất khác được phê duyệt sử dụng ở Hoa Kỳ giúp bảo vệ chống lại phổ UVA này là avobenzone – một chất hóa học hữu cơ. Tuy nhiên, vì avobenzone tương đối nhạy cảm trong vùng UV, khả năng bảo vệ của nó không có ý nghĩa chắc chắn (các công thức ổn định ánh sáng của avobenzone hiện đã được phát triển). Đáng chú ý, ZnO và TiO2 thì không như vậy. Các công thức chứa ZnO hoặc TiO2 vi tinh thể là những sản phẩm thường được khuyến cáo nhất dành cho các làn da nhạy cảm. Dù vậy, chúng không được sử dụng thay thế cho nhau. TiO2 vi tinh thể tác dụng hiệu quả trên UVB (290 – 320nm) và UVA2 (320 – 340nm), tuy nhiên nó lại kém hiệu quả hơn so với ZnO trong vùng UVA1 (> 340nm). ZnO vi tinh thể có kích thước phân tử nhỏ hơn 0.2 µm. Ở kích thước này, sự tán xạ ánh sáng nhìn thấy nằm ở mức tối thiểu và các hạt có biểu hiện trong suốt trong các màng mỏng. TiO2 có chỉ số khúc xạ ánh sáng nhìn thấy cao hơn so với ZnO (2.6 so với 1.9). Vì vậy, TiO2 trắng hơn và khó có thể được kết hợp vào các sản phẩm trong suốt hơn so với ZnO.

Một vấn đề với các oxide kim loại trong các sản phẩm chống nắng vật lý là chúng có thể tạo ra các gốc tự do oxy ở bề mặt khi được chiếu xạ. Phản ứng quang hóa của oxide kim loại đã được nghiên cứu rộng rãi và đã được cho rằng có thể khởi phát các phản ứng bất lợi trong da. Nhìn chung, TiO2 có hoạt tính quang hóa cao hơn nhiều so với ZnO theo báo cáo của Mitchnick và cộng sự. TiO2 thậm chí cũng được chứng minh gây tổn thương ADN trong các nghiên cứu in vitro. Tuy nhiên, để gây ảnh hưởng trên làn da, các phân tử sẽ cần phải đi qua lớp sừng. Vì vậy, các phân tử ZnO và TiO2 vi tinh thể khó có khả năng mang hoạt tính sinh học bất lợi bởi chúng vẫn quá lớn để có thể đi vào bên trong da. Hầu hết các nhà sản xuất đều giảm thiểu hoạt tính quang hóa của các tác nhân này thông qua việc bao phủ bề mặt của chúng với dimethicone hoặc silicone.

Chống nắng hóa học

Các thành phần chống nắng hóa học thường được kết hợp với nhau hoặc với chống nắng vật lý để tạo nên các sản phẩm SPF cao có thể được dùng trong suốt thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt. Tuy nhiên, chúng có một vài nhược điểm. Chống nắng hóa học hấp thu bức xạ UV. Năng lượng bức xạ hấp thu sau đó phải được chuyển đổi thành nhiệt hoặc ánh sáng hoặc được dùng để xúc tác cho phản ứng hóa học. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành ROS hoặc các sản phẩm quang hóa vốn có thể tấn công các thành phần hóa học khác trong sản phẩm. Nếu được hấp thu, các sản phẩm phụ có thể tấn công làn da. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bức xạ chỉ đơn giản được chuyển thành bức xạ khác có bước sóng dài hơn và không dẫn đến sự hình thành gốc tự do.

Các sản phẩm chống nắng hóa học là sự kết hợp của các hợp chất hữu cơ tổng hợp có thể được thông tin là những thành phần hấp thu UVA hoặc UVB. Những tác nhân không màu và thường là không mùi này ngăn chặn sự xâm nhập vào biểu bì của bức xạ UV thông qua việc hấp thu và phản xạ chúng tựa như những bộ lọc. Nhiều thành phần chống nắng hóa học đã được báo cáo gây nên các phản ứng dị ứng hoặc dị ứng quang hóa ở những bệnh nhân nhạy cảm. Một nhược điểm khác của chống nắng hóa học là một số tác nhân không ổn định khi tiếp xúc với bức xạ UV. Chẳng hạn, thử nghiệm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong 15 phút đã được báo cáo làm hỏng 36% avobenzone. Hơn nữa, khi avobenzone bị thoái hóa, các thành phần chống nắng hóa học khác trong công thức cũng có thể bị ảnh hưởng đồng thời.

Một số tác nhân chống nắng hóa học có thể hấp thu vào hệ thống và nồng độ đã được chứng minh bởi việc xét nghiệm nước tiểu của một số người dùng. Vì lý do này, chống nắng hóa học không nên được sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sen Spa