TÁI TẠO BỀ MẶT DA BẰNG PLASMA – MỘT LIỆU PHÁP THAY THẾ HỨA HẸN CHO LASER XÂM LẤN

Tái tạo bề mặt da bằng plasma là một trong những sáng kiến thú vị trong ngành trẻ hóa da. Nó đã được phát triển như một sự thay thế cho phương pháp tái tạo bề mặt xâm lấn cổ điển (điển hình là laser CO2 hay laser erbium) vốn gây bóc tách cấu trúc mô. Tái tạo bề mặt xâm lấn có khá nhiều hạn chế bao gồm nguy cơ nhiễm khuẩn, tạo sẹo, mất sắc tố,.v.v… cùng với thời gian nghỉ dưỡng ít nhất 2 tuần. Dù vậy, nó vẫn được sử dụng rộng rãi chủ yếu nhờ vào hiêu quả đáng kể, đặc biệt là trong việc làm giảm nếp nhăn (có xu hướng cao hơn so với các kỹ thuật tái tạo bề mặt an toàn hơn, chẳng hạn như các loại laser không xâm lấn). Do đó, các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm các phương pháp tái tạo bề mặt thay thế khác có khả năng mang lại hiệu quả tương tự như laser xâm lấn nhưng với ít tác dụng không mong muốn hơn. Trong số này, tái tạo bề mặt da bằng plasma tỏ ra là ứng cử viên hàng đầu.

Hầu hết các cách thức tái tạo bề mặt da đều dựa trên ý tưởng gây tổn thương da một cách có kiểm soát để thúc đẩy phản ứng chữa lành tự nhiên của cơ thể mà kết quả cuối cùng là làn da sẽ được tái tạo và cải thiện các dấu hiệu lão hóa. Tái tạo bề mặt da với plasma hoạt động theo cách tương tự nhưng với một số đặc điểm ưu việt hơn. Thứ nhất, tác nhân gây tổn thương da là plasma – một loại khí ion hóa năng lượng cao. Thứ hai, loại khí được sử dụng là ni tơ – mang tính trơ về mặt hóa học và có khả năng ức chế sự đốt cháy mô bởi nó sẽ chiếm lấy vị trí của oxy vốn cần thiết cho phản ứng cháy. Kết quả là dù cho các lớp da có bị tổn thương bởi plasma (thông qua các tác động đốt nóng, phân mảnh và bốc hơi), chúng sẽ không bị đốt cháy như trong các trường hợp tác động bởi laser xâm lấn và vì vậy sẽ không có sự tồn tại của vết thương hở trong suốt quá trình làm lành. Cách tiếp cận này giúp giảm nguy cơ các tác dụng phụ như tạo sẹo, nhiễm trùng và mất sắc tố. Thời gian hồi phục ngắn hơn so với tái tạo bề mặt xâm lấn nhưng cao hơn so với laser không xâm lấn.

Các chỉ định chính của tái tạo bề mặt da bằng plasma bao gồm nếp nhăn, tổn thương do ánh nắng mặt trời, sẹo mụn và một số dạng tổn thương cạn trên bề mặt khác. Căng da đôi khi cũng được chỉ định. Tuy nhiên, nếu chỉ mong muốn có được hiệu quả căng da thì thông thường bệnh nhân sẽ có xu hướng lựa chọn các loại laser hồng ngoại hoặc vi điểm không xâm lấn – có khả năng mang lại hiệu quả tương đương nhưng với thời gian hồi phục ngắn hơn cũng như ít nguy cơ tác dụng phụ hơn.

Bởi vì còn tương đối mới mẻ, việc thực hành điều trị tái tạo bề mặt bằng plasma vẫn đang được hoàn thiện theo thời gian. Các quy trình điều trị có thể được thực hiện ở các chế độ năng lượng cao hoặc thấp. Chế độ năng lượng thấp thường được sử dụng để mang lại các kết quả trên bề mặt chẳng hạn như cải thiện độ đồng đều tông màu, cấu trúc da cũng như nếp nhăn li ti trong khi chế độ năng lượng cao giúp cải thiện đáng kể các tình trạng nếp nhăn, sẹo mụn và mang lại một số lợi ích săn chắc mô. Các quy trình điều trị sử dụng năng lượng thấp thường được lặp lại từ 3 – 4 lần cách nhau khoảng 3 tuần. Tuy nhiên, một quy trình năng lượng cao thậm chí có thể mang lại các kết quả rõ ràng hơn so với chuỗi quy trình năng lượng thấp mặc dù kèm theo cảm giác khó chịu và thời gian nghỉ dưỡng lâu hơn. Sau một quy trình điều trị dù là với mức năng lượng cao hay thấp, lớp ngoài cùng của da sẽ khô đi nhưng vẫn giữ nguyên vị trí trong một vài ngày cho phép quá trình làm lành diễn ra mà không có nguy cơ nhiễm trùng. Cuối cùng, lớp da này sẽ bong đi để lộ một lớp da mới đã được tái tạo. Thời gian hồi phục thường từ 1 – 2 tuần trong khi các loại laser xâm lấn sẽ cần từ 2 – 4 tuần.

Hiện nay, hệ thống ứng dụng phương pháp này được sử dụng phổ biến nhất là Portrait (từ Rytec) với 3 mức thiết lập năng lượng: PSR1 (thấp) và PSR2 hoặc PSR3 (cao). Chế độ PSR1 thường được kết hợp gây tê ngoài da trong khi PSR2 và PSR3 thường cần phải tiêm thuốc tê cục bộ và trấn an trước điều trị.

Vậy, các kết quả đạt được với tái tạo bề mặt da bằng plasma được so sánh như thế nào so với các phương pháp thay thế chính thức hơn? Có vẻ như mức năng lượng thấp (được dùng chủ yếu cho các vấn đề về sắc tố, cấu trúc da và nếp nhăn li ti) không hiệu quả hơn so với laser không xâm lấn được lựa chọn phù hợp. Mức năng lượng cao tỏ ra hiệu quả hơn so với các phương pháp không xâm lấn nhưng vẫn không tương đương so với tái tạo bề mặt xâm lấn. Hầu hết các chuyên gia nhận thấy rằng các kết quả tái tạo bề mặt với plasma năng lượng cao hiện nay đạt khoảng 50 – 60% so với các kết quả thu được từ laser xâm lấn. Vì liệu pháp này còn tương đối mới mẻ, việc điều chỉnh thao tác, thông số kỹ thuật cũng như nâng cấp thiết bị có thể giúp thu hẹp khoảng cách này trong tương lai.

Kết luận

Tái tạo bề mặt da bằng plasma là một sự thay thế thú vị cho liệu pháp tái tạo bề mặt xâm lấn, vốn vẫn là một phương pháp xóa nhăn tiêu chuẩn vàng trên cơ sở tái tạo cấu trúc da. Ở mức thiết lập năng lượng cao, plasma tỏ ra hiệu quả hơn so với laser không xâm lấn và đạt khoảng 50 – 60% so với laser xâm lấn. Bệnh nhân cần khoảng 1 – 2 tuần đề hồi phục tuy nhiên cả thời gian này và nguy cơ tác dụng phụ đều thấp hơn so với laser xâm lấn. Trong tương lai, các kết quả của tái tạo bề mặt bằng plasma có thể được cải thiện tốt hơn khi kỹ thuật và thiết bị ngày càng được hoàn thiện, nâng cấp cũng như kinh nghiệm ngày càng dày dặn của bác sỹ. Nếu các vấn đề về da ở mức trung bình nhưng nằm ngoài khả năng của các phương pháp không xâm lấn, tái tạo bề mặt bằng plasma có thể là một lựa chọn đáng để trải nghiệm ở thời điểm hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sen Spa