MỘT SỐ THÔNG TIN KHOA HỌC VỀ HOẠT CHẤT LÀM TRẮNG HYDROQUINONE
Hydroquinone là sản phẩm oxy hóa của một số hợp chất thơm nhất định đã được sử dụng cho mục đích phân giải sắc tố từ những năm 1960. Ứng dụng này mang tính tranh cãi khá cao. Dù vậy, một sự gia tăng ổn định về tỷ lệ của hydroquinone trong các chế phẩm thương mại đã được ghi nhận trong giai đoạn từ 1960 đến 1966.
Cấu trúc phân tử của hydroquinone
Cơ chế
Cơ chế tác động của hoạt chất này đã được đề xuất bởi một số tác giả, trong đó khả năng ức chế sự tổng hợp và hoạt động của men tyrosinase (emzyme then chốt của quá trình sản xuất melanin), phá hủy các tế bào sinh sắc tố (melanocyte) thông qua việc sản sinh các gốc tự do và can thiệp vào hoạt động của các túi chứa sắc tố (melanosome) là những tác dụng quan trọng giúp hydroquinone trở thành một tác nhân phân giải sắc tố hiệu quả.
Tác dụng không mong muốn
Ở đường dùng ngoài da với nồng độ từ 2 – 5%, hydroquinone được biết có thể gây nên một số tác dụng không mong muốn như viêm da kích ứng, viêm da tiếp xúc, tăng sắc tố sau viêm, ochronosis (mô xám nâu) và biến đổi màu móng. Các tác dụng phụ như ochronosis và colloid milium (các khối nang nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt ngay bên dưới biểu bì) đã được biết đến từ những năm 1970. Không có trường hợp đáng kể nào được báo cáo từ năm 1960 đến năm 1970. Điều này có thể được giải thích là do sự khởi phát từ từ của các tình trạng trên. Ban đầu, những người sử dụng cảm thấy hài lòng với kết quả điều trị bởi các vấn đề về sắc tố da không xuất hiện trong khoảng thời gian dài đến vài năm. Do vậy, họ luôn cảm thấy “bắt buộc” phải sử dụng các sản phẩm mạnh hơn để duy trì kết quả. Các sản phẩm này hầu hết đều chứa hydroquinone, khi đó các tác dụng phụ vốn luôn mong muốn tránh khỏi lại xuất hiện với mức độ cao hơn. Findlay là một trong những người đầu tiên đề cập đến sự xuất hiện của các nốt sần trên gò má của phụ nữ châu Phi trong thời gian điều trị phân giải sắc tố với hydroquinone. Cuối cùng, một số ý kiến cho rằng hydroquinone có thể gây ung thư. Độc tính trên các tế bào sinh sắc tố thông qua việc sản sinh gốc tự do là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không có sự đột biến nào được quan sát thấy khi tiến hành các thử nghiệm trên chuột.
Nghiên cứu và ứng dụng
Các sản phẩm phân giải sắc tố được xem là dược phẩm không cần kê đơn tại Hoa Kỳ. Nồng độ hiệu quả và an toàn thông thường (Generally Recognized As Safe and Effective – GRASE) của hydroquinone được thiết lập nằm trong khoảng 1.5 – 2% từ năm 1982. Tuy nhiên, nhiều dạng chế phẩm chứa nồng độ hydroquinone cao hơn mức này có thể được tìm thấy trên thị trường Hoa Kỳ.
Vào năm 1975, Albert Kligman đưa ra một công thức gồm 3 hoạt chất tretinoin (0.1%), hydroquinone (5%) và dexamethasone (0.1%) dùng để điều trị nám, tàn nhang và tăng sắc tố sau viêm. Một số công thức kết hợp khác cũng được đề xuất bởi Pathak (hydroquinone ether và tretinoin) và Westerhof (phenol và vitamin C).
Lấy cảm hứng từ các công thức này, vào khoảng một thập kỷ trước, Galderma Laboratories đã đưa ra thị trường một dạng kem kết hợp 3 hoạt chất (Triple Combination Cream – TCC) với tên thương mại là Tri-Luma®. Sản phẩm này chứa 4% hydroquinone, 0.05% tretinoin và 0.01% fluocinolone acetonide và là sản phẩm duy nhất được chấp thuận bởi FDA về ứng dụng điều trị nám. Theo yêu cầu của Galderma Laboratories, chuyên gia da liễu Valérie Callender đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vào năm 2004. Ý tưởng ban đầu là so sánh hiệu quả của TCC với adapalene ở những bệnh nhân mụn từ nhẹ đến trung bình hoặc ở những bệnh nhân tăng sắc tố sau viêm do mụn. Valérie Callender nhận định rằng sự kết hợp các hoạt chất ở nồng độ này là hiệu quả và an toàn dù kết quả của thử nghiệm không được công bố. Một năm sau, có vẻ như các tình nguyện viên trong nghiên cứu vẫn tỏ ra hài lòng với kết quả đạt được. Tuy nhiên, một số trường hợp đã cần đến chế độ điều trị lâu dài để ngăn ngừa sự tái lại của vấn đề. Dựa trên các kết quả sơ bộ thu được cũng như theo đề nghị của Galderma Laboratories, Susan Taylor – một chuyên gia da liễu tại bệnh viện St. Luke’s—Roosevelt ở Philadelphia – đã chứng minh hiệu quả của TCC trong việc điều trị pseudofolliculitis barbae (viêm chân lông do lông mọc ngược). Sau đó, một nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận rằng TCC thật sự mang lại hiệu quả đối với chỉ định này. Các tác dụng không mong muốn được cho rằng ở mức độ vừa phải và tương tự như những trường hợp điều trị với các thành phần tiêu chuẩn (chẳng hạn như acid retinoic). Để cạnh tranh với TCC, vào năm 2011 Neocutis Laboratories đã giới thiệu một công thức kết hợp của hydroquinone (4%) với phức hợp 4 hoạt chất bao gồm leucine, dinatri glycerophosphate, phenyl ethyl resorcinol và undecylenoyl phenylalanine. Cho đến nay chỉ có một trường hợp ochronosis được ghi nhận. Tình trạng này được cho là do chế độ sử dụng không thích hợp của bệnh nhân vốn không tuân theo đúng chỉ dẫn cả về liều và thời gian điều trị (sử dụng 2 lần / ngày trong một năm trong khi chế độ khuyến cáo chỉ sử dụng 1 lần / ngày trong thời gian tối đa 8 – 12 tuần).
Dẫn chất
Dù được xem là một trong số những tác nhân phân giải sắc tố hiệu quả nhất, hydroquinone vẫn luôn được nghiên cứu và một hợp chất khác đã ra đời thông qua phản ứng este hóa với acid azelaic nhằm đáp ứng 3 mục tiêu: hiệu ứng phân giải sắc tố cộng gộp, tăng cường tính thấm qua da và tăng độ ổn định của hoạt chất. Kết quả thử nghiệm in vitro cho thấy hợp chất này có tính thấm cao gấp hai lần so với các hoạt chất gốc đơn độc.
Hydroquinone mono ethyl ether (MEHQ) (còn được gọi là 4-hydroxyanisole hay mequinol) có tính kích ứng thấp hơn so với hidroquinone bởi nó không độc đối với tế bào sinh sắc tố ở người. Sự kết hợp của mequinol (2%) với acid retinoic (0.01%) tỏ ra có khả năng mang lại hiệu quả cộng gộp. Một thử nghiệm lâm sàng thực hiện trên một nhóm 595 đối tượng (109 nam và 486 nữ) có tình trạng đồi mồi đã chứng minh được hiệu quả của phối hợp trên. Các thử nghiệm in vivo khác cũng xác nhận những kết quả này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự kết hợp này không hề giúp giảm đi tỷ lệ tác dụng không mong muốn.