NHỮNG LƯU Ý KHI THỰC HIỆN THAY DA HÓA HỌC
Thay da hóa học là một trong những phương pháp làm đẹp và trẻ hóa da hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, cần quan tâm đến những lưu ý dưới đây để nâng cao hiệu quả cũng như giảm nguy cơ của thủ thuật này.
Mức độ hư tổn của lão hóa quang hóa
Bệnh nhân bị tổn thương da nghiêm trọng không nên sử dụng thay da hóa học. Da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời cho thấy sự thay đổi ở lớp biểu bì, tổn hại elastin và biến dạng collagen trong lớp trung bì giữa.
Để loại bỏ lão hóa quang hóa, cần thực hiện thay da sâu. Nhiều phương pháp thay da bề mặt, thậm chí được lặp đi lặp lại nhưng vẫn không đạt đến mức độ cần thiết.
Hút thuốc
Bệnh nhân phải hiểu được sự cần thiết để ngưng hút thuốc lá. Chất hóa học trong khói thuốc có thể gây ra các phản ứng về enzym, làm suy yếu hàng rào bảo vệ da và tạo ra nếp nhăn quanh miệng và mắt.
Phẫu thuật thẩm mỹ trước đó
Nên đợi vài tháng sau khi phẫu thuật thẩm mỹ liên quan đến khuôn mặt lành hẳn. Cần cho da thời gian để chữa lành trước khi thực hiện thay da hóa học.
Bệnh nhân cần tuân thủ các điều trị trước và sau khi thay da, thực hiện chế độ ăn uống trước và sau thủ thuật đúng yêu cầu.
Sức khỏe tổng quát
Với thay da bằng phenol, bệnh nhân nên có sức khỏe tốt vì phenol có thể gây loạn nhịp tim. Phenol gây độc trực tiếp tới cơ tim. Nhịp tim được ghi nhận tăng đến 23% khi thay da toàn bộ khuôn mặt thực hiện trong vòng chưa đầy 30 phút. Những rối loạn này bao gồm: rối loạn nhịp nhanh, ngoại tâm thu, loạn nhịp tim,… Quản lý bệnh lý đầy đủ sẽ làm giảm tỉ lệ biến chứng xuống dưới 7%.
Chức năng gan thận cũng rất cần thiết cho việc bài tiết và thải độc. Các xét nghiệm về nồng độ urea nitrogen trong máu, creatinin và chức năng gan rất quan trọng. Theo dõi ECG là cần thiết trong suốt quá trình thay da. Không có báo cáo về độc tính trên gan thận hoặc thần kinh trung ương khi thực hiện thay da đúng cách.
Thuốc
Lịch sử dùng thuốc của bệnh nhân rất quan trọng.
Các điều kiện về sức khỏe như bệnh tim, gan hoặc thận có ảnh hưởng đến quyết định điều trị và lựa chọn hoạt chất phù hợp trong thay da.
Estrogen ngoại sinh, thuốc ngừa thai đường uống và các thuốc khác có thể làm tăng nhạy cảm với ánh sáng và gây biến chứng sắc tố sau thay da.
Bệnh nhân dùng thuốc làm loãng máu – như warfarin, nên tránh thay da hóa học sâu vì có khả năng chảy máu từ da. Bệnh nhân dùng aspirin thường không có biến chứng, nhưng nếu không cần thiết thì nên ngưng sử dụng aspirin 1 tuần trước thay da hóa học sâu.
Việc sử dụng isotretinoin cần được lưu ý. Bệnh nhân nên đợi 6 tháng sau liều isotretinoin cuối cùng để giảm nguy cơ hình thành sẹo.
Herpes
Bệnh nhân có tiền sử nhiễm herpes simplex cần được dự phòng bằng thuốc kháng virus ở giai đoạn tiền thay da. Acyclovir (400mg) nên được dùng 2 ngày trước thay da và tiếp tục 5 ngày sau đó để giảm nguy cơ herpes tái phát.
Một số bác sĩ da liễu khuyến cáo dự phòng ở tất cả bệnh nhân để tránh nguy cơ bộc phát herpes.
Bất kỳ tổn thương hiện có nào cũng cần phải lành lại hoàn toàn trước khi tiến hành thủ thuật này.
Lịch sử về sẹo
Cần hỏi bệnh nhân về tiền sử phì đại sẹo. Nhiều người có cơ địa phì đại sẹo sẽ phát triển thành sẹo lồi. Điều này thường thấy ở những bệnh nhân có kiểu da thuộc Fitzpatrick loại 5 và 6, nhưng cũng có thể xuất hiện ở loại da 1, 2, 3 hoặc 4.
Thay da hóa học trung bình và sâu thâm nhập vào lớp trung bì nông và sâu, kích thích sự phát triển sẹo lồi ở những bệnh nhân có cơ địa này. Thay da hóa học bề mặt có thể được tiến hành với loại da 4 và 5 do chỉ xâm nhập ở lớp biểu bì. Do đó, những bệnh nhân có cơ địa phì đại sẹo không thích hợp cho phương pháp trẻ hóa da với laser hoặc thay da hóa học trung bình/sâu.
Kỳ vọng của bệnh nhân
Bác sĩ và bệnh nhân nên thảo luận trước khi thay da hóa học, đặc biệt là thay da sâu. Các chuyên gia nên nêu rõ về kết quả sau khi thực hiện và giải thích cho bệnh nhân về khả năng xảy ra biến chứng.
Mật độ nang lông
Bệnh nhân đã được xạ trị gần đây cần làm sinh thiết da để xác định sự tồn tại của các đơn vị nang, bởi vì các đơn vị nang lông là nơi diễn ra sự tái tạo da.