CÔNG NGHỆ PRP PLATELET RICH PLASMA
Huyết tương giàu tiểu cầu là gì?
Phương pháp này lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1970 với mục đích đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương và trở nên phổ biến năm 1990. Mãi đến năm 2004, PRP mới thực sự được ứng dụng vào lĩnh vực thẩm mỹ đầu tiên tại Nhật Bản và các nước châu Âu.
Máu gồm huyết tương và các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu). Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu do chứa nhiều yếu tố tăng trưởng như: transforming growth factor-beta (TGF-b), fibroblast growth factor-2 (FGF-2), platelet-derived growth factors (PDGF-AB), insulin-like growth factor-1 (IGF-1), epidermal growth factor (EGF), Vascular endothelial growth factor (VEGF). Phương pháp PRP cô đặc các yếu tố tăng trưởng của tiểu cầu gấp 5 đến 10 lần so với trong huyết tương rồi tiêm lại vào vùng trị liệu. Chính những yếu tố tăng trưởng tự thân sẽ thúc đẩy quá trình tái tạo, trẻ hóa, làm lành vết thương, ngăn chặn quá trình lão hóa da một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Hiện nay, PRP được ứng dụng chủ yếu trong các lĩnh vực lâm sàng mà đặc biệt là thẩm mỹ và điều trị các vấn đề về xương khớp. Trong lĩnh vực thẩm mỹ, tiểu cầu có tác dụng làm ngưng chảy máu, đồng thời sửa chữa các mạch máu và tế bào bị thương, hư hỏng. Các nhân tố tăng trưởng khi được tiết ra ngoài sẽ cảm ứng tạo collagen và tạo thành các mao mạch mới trong sự trẻ hóa da. PRP đã được chứng minh có khả năng kích thích sự phát triển, tăng sinh của nguyên bào sợi, tăng cường độ dày da, tăng tổng hợp các chất nền ngoại bào, đặc biệt là collagen, duy trì độ ẩm, ngăn sự hình thành nếp nhăn, chống lại các tác nhân oxy hóa gây hại cho da, thúc đẩy sự phát triển của các nang tóc, chống rụng tóc,…
Ngày nay, nhằm làm tăng hiệu quả PRP trong điều trị, một số nhà nghiên cứu đã kết hợp giữa liệu pháp tế bào gốc trung mô với PRP, kết quả cho thấy hết sức khả quan, hiệu quả cải thiện một cách nhanh chóng trong cả điều trị các bệnh xương khớp, lẫn trong thẩm mỹ. Tại trung tâm y học tái tạo Seishin (Nhật Bản), các bác sĩ đã tiêm kết hợp tế bào gốc thu nhận từ mỡ và PRP cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy PRP gia tăng tỉ lệ sống sót của mô mỡ được hình thành sau khi ghép tế bào, đồng thời tăng cường sản xuất collagen dưới da, giúp tăng cường khả năng tái tạo da.
Vai trò của các yếu tố tăng trưởng trong PRP:
Epidermal growth factor | Là nhân tố quan trọng trong việc hình thành mạch và lắng đọng collagen tại nơi xảy ra vết thương, bên cạnh đó EGF cũng được chứng minh là có khả năng kích thích sự phát triển của nguyên bào sợi và tế bào biểu mô. |
Insulin-like growth factor | Yếu tố liên quan đến quá trình hình thành và phát triển xương. |
Platelet-derived growth factor | Kích thích các nguyên bào sợi, đại thực bào, bạch cầu trung tính, tham gia vào phản ứng viêm, tăng cường lắng đọng các chất nền ngoại bào, thúc đẩy nhanh chóng quá trình chữa lành vết thương. |
Transforming growth factor (alpha, beta) | Yếu tố thu hút đại thực bào, kích thích các tế bào nội sinh tiết các cytokin và tăng cường tổng hợp chất nền ngoại bào, đặc biệt là collagen I. |
Vascular endothelial growth factor | Thúc đẩy quá trình hình thành mạch, tăng cường tính thấm qua các mao mạch. |
Quy trình điều trị
Bước 1: Lấy máu bệnh nhân
Tiểu cầu rất dễ bị vỡ, trước đây việc dùng xilanh lấy máu khiến tiểu cầu bị vỡ rất nhiều. Có 2 nguyên nhân chính:
- Lực hút của mỗi người khác nhau, và áp lực của dòng máu lớn khi xuyên qua mũi kim rất bén làm tiểu cầu bị vỡ.
- Đường kính của mũi kim rất nhỏ nên tiểu cầu dễ bị vỡ.
Để cải thiện nhược điểm này, các bác sĩ nên sử dụng kim cánh bướm để hạn chế tình trạng vỡ tiểu cầu vì:
- Hút chân không giúp kiểm soát áp lực dòng chảy và máu tự động chảy vào trong 1 ống nhỏ có chứa sẵn chất chống đông.
- Đường kính mũi kim lớn hơn thông thường đảm bảo tiểu cầu vỡ ở mức tối thiểu.
Lưu ý:
- Lượng máu rút ra từ người bệnh nhân tùy thuộc vào vị trí cần trị liệu thường từ 15 ml đến 50 ml.
- Dụng cụ đựng máu rút ra từ người bệnh nhân nên chứa sẵn chất chống đông (phổ biến là citrate dextrose).
Bước 2: Chiết tách tiểu cầu
Ống máu thu được từ bước 1 sẽ được đưa vào máy quay ly tâm (thường diễn ra trong vòng 5 -15 phút). Quá trình này khiến máu được tách thành 3 lớp, lớp huyết tương nghèo tiểu cầu ở phía trên cùng, lớp huyết tương giàu tiểu cầu ở giữa và lớp các tế bào hồng cầu nằm ở đáy ống. Sau đó, PRP sẽ đước tách riêng.
Bước 3: Tiêm PRP vào vị trí cần trị liệu
Trước khi tiêm PRP đã tách chiết vào cơ thể bệnh nhân, PRP cần được kích hoạt để nhanh chóng giải phóng các yếu tố tăng trưởng tại vùng trị liệu. Hoạt chất kích hoạt thường được sử dụng là thrombin, calcium chloride. PRP sau khi kích hoạt sẽ cho tác dụng sinh lý tốt hơn đặc biệt đối với các yếu tố tăng trưởng có thời gian bán thải ngắn và ít gây kích ứng nơi tiêm hơn so với PRP không được kích hoạt.
Phản ứng sinh lý của cơ thể khi được tiêm PRP
Các yếu tố tăng trưởng sẽ kích hoạt phản ứng viêm tại vị trí tiêm trong vòng 3 ngày, các nguyên bào sợi tích tụ tại vị trí tiêm, đánh dấu sự bắt đầu của quá trình tăng sinh, hồi phục và làm mới mô do sự tái cấu trúc mạng lưới collagen. Quá trình tiếp tục kéo dài đến 6 tháng sau đó.
Ứng dụng điều trị của phương pháp PRP
Làm nhanh lành vết thương.
Tái tạo vùng cơ, da chảy xệ.
Nếp nhăn và nếp nhăn li ti: vùng quanh môi, trán, vùng mũi miệng.
Các biến chứng có thể xảy ra
Sưng, viêm, nhiễm trùng tại vị trí tiêm
Rối loạn huyết động
Những biến chứng này thường sẽ không xảy ra khi quy trình chuẩn được thực hiện bởi một bác sĩ có tay nghề.
Chú ý:
Phản ứng viêm khởi đầu liệu trình rất cần thiết cho quá trình tái tạo mô vì vậy bệnh nhân không nên sử dụng các loại thuốc kháng viêm trong giai đoạn này.